Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được phê chuẩn vào ngày 30/12/2018 và có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019, được coi là bước ngoặt quan trọng, tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng.
Lợi thế thuế quan có thể không còn
Sau hơn 3 năm Hiệp định CPTPP đi vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện được khả năng vươn lên, thích ứng trong điều kiện bình thường mới để tận dụng, khai thác hiệu quả Hiệp định CPTPP, gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường, đặc biệt là thị trường mới ở khu vực châu Mỹ.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu sau 8 tháng ghi nhận đạt 6 tỷ USD, là mức cao nhất từ khi FTA này có hiệu lực, trong khi các năm đầu thực thi Hiệp định CPTPP, cán cân thương mại 2 chiều khá cân bằng.
Theo bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), tại châu Mỹ có 4 quốc gia như Canada, Mexico, Chile, Peru là lần đầu tiên có quan hệ FTA với Việt Nam. CPTPP đem lại tiềm năng tốt để doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu. Trải qua hơn 3 năm thực thi CPTPP, XK của Việt Nam sang các thị trường của CPTPP tăng trưởng ấn tượng. Năm 2021, XK sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 100%.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CPTPP không phải là Hiệp định FTA đầu tiên nhưng lại vô cùng đặc biệt so với các FTA khác mà chúng ta đã có. Có thể nói, CPTPP là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Việt Nam thực thi.
Đánh giá 3 năm thực thi CPTPP vừa qua, bà Trang cho biết đã có những hiệu quả đáng kể. Việt Nam được xem là nước thành viên tranh thủ khá tốt CPTPP để gia tăng thị phần ở châu Mỹ.
Đơn cử ở Canada, thị phần hàng Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2017 là 0,9%, đến 2019 - năm bắt đầu thực thi CPTPP thì thị phần tăng lên 1,2%, năm 2021 là 1,6%... Có được kết quả trên, bà Trang cho rằng một phần là do các đối thủ có hàng hóa tương tự như Việt Nam chưa có FTA với các nước trong CTPPP như mặt hàng giày dép, nhựa, cao su Việt Nam gần như không có đối thủ. Mặc dù vậy, bà Trang cho rằng lợi thế này cũng không quá dài.
Không còn thời gian để chần chừ
Vì vậy, bà Trang cho rằng DN Việt Nam cần phải sẵn sàng đối mặt thách thức mới vì hiện nay trong CPTPP, Việt Nam gần như “một mình một chợ”. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết rằng các nước như Canada, Mexico… có độ mở rất cao, họ cũng đang xem xét đàm phán FTA với khu vực ASEAN. Thực tế, Hiệp định thương mại Canada – ASEAN đã khởi động trở lại. Nếu Hiệp định này thực thi, thì lợi thế vị trí duy nhất hoặc độc tôn của hàng Việt ở CPTPP sẽ không còn. Cùng với đó, một số quốc gia như Trung Quốc cũng đang đề nghị tham gia CPTPP.
Do vậy, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập nhắn nhủ trong khoảng thời gian này, DN Việt Nam cần tận dụng tốt nhất lợi thế từ Hiệp định CPTPP, không còn thời gian để chần chừ nữa.
“Nếu những đối thủ của chúng ta tham gia FTA với họ thì rõ ràng bản đồ cạnh tranh trong CPTPP sẽ thay đổi lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới lợi thế Việt Nam trong khu vực này. Do vậy, DN phải có sự chuẩn bị cho tương lai”, bà Trang chia sẻ.
Trong khi đó, bà Hồng Anh cho rằng, dư địa và tiềm năng khai thác CPTPP còn lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, hàng Việt Nam vẫn đang vấp phải những khó khăn về chi phí vận chuyển, tiêu chuẩn thị trường khắt khe, tiêu chuẩn về lao động…
Thừa nhận những khó khăn trên đang là vấn đề mà DN gặp phải, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cho hay khó khăn nhất mà DN thủy sản đang gặp phải là điều khoản liên quan tới lao động, môi trường, phát triển bền vững. Ví dụ như lao động làm thế nào không bị quy kết lao động trẻ em trong nghề cá, thủy sản; hay không chỉ EC phạt thẻ vàng với thủy sản mà nhiều nước như Nhật Bản cũng áp dụng quy định xuất xứ với một số loài thủy sản khai thác.
Còn bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho hay khó khăn đã xuất hiện ngay trong thời điểm này khi đơn hàng giảm, tỷ trọng XK da giày giảm… do những bất ổn của kinh tế thế giới.
Theo đó, để tận dụng CPTPP, cũng như các FTA khác, DN da giày kiến nghị cần phải đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển nguồn nguyên phụ liệu, hỗ trợ các DN nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu để nâng tỷ trọng xuất khẩu.
Theo VNbusiness