Tận dụng 2 kênh thương mại điện tử lớn nhất thế giới
Theo thống kê, khoảng một năm qua, có gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được bán ra thế giới thông qua Amazon.
Như vậy, trung bình mỗi phút có 14 sản phẩm của doanh nghiệp Việt được bán ra cho khách hàng toàn cầu. Theo đó, doanh số sản phẩm tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Ở một tiêu chí khác, những doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số bán hàng từ 100.000 USD trở lên thông qua cửa hàng trên Amazon cũng tăng mạnh xấp xỉ 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh nghiệp có doanh số bán hàng vượt mốc 500.000 USD tăng hơn 53% và số lượng doanh nghiệp có doanh số từ 1 triệu USD trở lên tăng hơn 40%.
Trên thực tế, những kênh thương mại điện tử giúp đưa sản phẩm Việt ra thế giới trong những năm qua không chỉ có Amazon, mà còn Alibaba cũng như một số trang thương mại điện tử trong nước.
Trước đó, theo đánh giá của phía Alibaba, năng lực sản xuất của các nhà bán hàng Việt Nam ngày càng cải thiện về cả chất lượng và số lượng, danh mục sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và định hướng tăng cường tập trung vào xuất khẩu. Một số ngành thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng như thực phẩm, đồ uống, dụng cụ gia đình, làm vườn và xây dựng.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu
Trong năm 2021, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) đã có sự hợp tác với Alibaba trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức xúc tiến thương mại và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Theo đó, mục tiêu là sẽ hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số trong 5 năm tới.
Thông qua các sàn thương mại quốc tế lớn như Amazon hay Alibaba, các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận hàng trăm triệu khách hàng tại nhiều quốc gia.
Ngoài các trang thương mại điện tử lớn của quốc tế, gần đây, một số trang thương mại điện tử trong nước cũng thúc đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt, đặc biệt là nông sản.
Điển hình như Voso, đã giúp đưa hàng nông sản Việt Nam ra nước ngoài, bắt đầu từ việc đáp ứng nhu cầu về “hương vị quê hương” của kiều bào ở các nước, với các mặt hàng nông sản, thực phẩm truyền thống và nổi tiếng của Việt Nam.
Đại dịch gây khó khăn lớn nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực hơn bao giờ hết buộc các doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng phải chuyển đổi số bằng cách tìm tòi, làm quen hoặc đẩy mạnh bán hàng ra thế giới qua kênh thương mại điện tử.
Tổng doanh thu bán hàng qua nền tảng Amazon của doanh nghiệp Việt đến thời điểm này đã tăng gấp đôi so với năm 2019, mức tăng trưởng này cao hơn so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines...
Những hàng hóa có thế mạnh của doanh nghiệp Việt đạt doanh số cao chính là những sản phẩm có tính truyền thống như hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gốm, mây tre đan; hoặc những loại hàng hóa thiết yếu, phục vụ đời sống thường ngày như đồ nội thất, đồ nhà bếp…
Theo Lao động