Chủ Nhật, 24/11/2024 09:23:23 GMT+7
Lượt xem: 3105

Tin đăng lúc 03-11-2016

HanoiTex 2016 thu hút hơn 170 doanh nghiệp tham gia

Ngày 2/11, Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may - Thiết bị và nguyên phụ liệu Việt Nam 2016 (HanoiTex 2016) đã chính thức được khai mạc tại Hà Nội. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên 2 năm một lần tại Hà Nội và được đánh giá là sẽ góp phần đưa ngành dệt may Việt Nam phát triển và hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế.
HanoiTex 2016 thu hút hơn 170 doanh nghiệp tham gia
Cắt băng khai mạc Triển lãm Nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam 2016

HanoiTex 2016 thu hút 171 doanh nghiệp đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Trung Quốc, Indonesia, Hong Kong, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ... đây là nơi giới thiệu các mặt hàng như thiết bị sợi, dệt, nhuộm; dây chuyền may thuê tự động, máy đo và cắt vải tự động; phần mềm thiết kế, nguyên phụ liệu, vải, sợi...; các giải pháp công nghệ ngành dệt may của các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may. Năm nay, số lượng doanh nghiệp tham gia HanoiTex đã tăng mạnh so với kỳ triển lãm năm 2014.

 

Phát biểu khai mạc triển lãm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, triển lãm sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có cơ hội lựa chọn các loại thiết bị công nghệ hiện đại được sản xuất từ các nước tiên tiến. Qua đó, định hướng đầu tư thêm công nghệ mới nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần phát triển ngành dệt may Việt Nam trong hội nhập.

 

Một trong những điểm yếu của ngành dệt may hiện nay là chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may. Do đó, nhằm khắc phục những tồn tại cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong đó có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam.

 

Gian hàng tham gia Triển lãm HanoiTex 2016

 

HanoiTex 2016 cũng sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư vào công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất lao động, thân thiện với môi trường và sẵn sàng đón nhận cơ hội từ các hiệp định thương mại song phương, đa phương mang lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần khắc phục được nhược điểm về vận chuyển, thanh toán… để đảm bảo sự tăng trưởng ổn định, bền vững.

 

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng dệt may. Ngành dệt may Việt Nam đã nỗ lực giữ vị trí xuất khẩu của mình bằng nhiều giải pháp, trong đó giải pháp về kỹ thuật công nghệ và tìm kiếm nguồn cung ứng phù hợp là trọng tâm.

 

Được biết, HanoiTex 2016 sẽ được diễn ra từ ngày 02 - 04/11 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội - 91 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Trong thời gian Triển lãm, các Hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức song song nhằm cập nhật các thông tin mới nhất về ngành dệt may.

 

Nguyễn Hoa


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang