Theo đó, hiện nay, tỉnh đã và đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào CNHT từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh quy mô nhỏ và vừa; Ưu tiên phát triển các sản phẩm CNHT đáp ứng nhu cầu nội địa với công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT phát triển…
Cụ thể, ngày 18/5, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức họp báo giới thiệu Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022. Thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ tiếp cận một cách minh bạch, cụ thể những lợi thế, tiềm năng và những dự án trọng điểm của tỉnh. Bởi mục tiêu tỉnh Hậu Giang đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025 là có tổng số 10 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng số diện tích 548,05 ha; Đồng thời cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đạt 50% theo quy hoạch… Đây là những mục tiêu không chỉ góp phần đẩy mạnh phát triển CNHT nói riêng mà còn phát triển công nghiệp Hậu Giang nói chung. Điều này đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 619/QĐ-UBND phê duyệt phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đối với chính sách đầu tư vào CNHT nói riêng cũng như các ngành kinh tế nói chung, ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định: “Đối với nhà đầu tư, tỉnh cam kết luôn luôn đồng hành với doanh nghiệp đến với Hậu Giang với khẩu hiệu “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Điều này đã được cụ thể hóa thông qua việc tỉnh Hậu Giang quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban và Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng ban Thường trực”.
Qua đó kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư; tổng hợp, tư vấn, hướng dẫn, cung cấp và thông tin về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh nhanh chóng, chính xác, thống nhất cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, với quan điểm, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Hậu Giang nên khẩu hiệu hành động của tỉnh hiện nay là “2 nhanh” và “3 tốt”: Đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”... Từ đó, xây dựng, hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách về CNHT nhằm hỗ trợ khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Trên cơ sở đó, hiện tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT phát triển; Xây dựng và hình thành các KCN, CCN liên ngành phục vụ cho các ngành CNHT. Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu hình thành và phát triển các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su, điện - điện tử, trong đó tập trung lĩnh vực sản xuất linh kiện phụ tùng cho các máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất thiết bị y tế...
Hậu Giang ban hành các cơ chế, chính sách về CNHT nhằm hỗ trợ khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh
Tỉnh cũng đặt mục tiêu theo Kế hoạch 169/KH-UBND là duy trì, tăng cường năng lực các cơ sở sản xuất hiện có, thu hút đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị vào khâu sản xuất nguyên phụ liệu ngành Dệt may. Đặc biệt, khâu dệt, nhuộm và hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, giảm dần tỷ lệ nhập khẩu. Đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu và CNHT ngành da giày, nhằm tạo giá trị tăng thêm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu của ngành, nâng cao năng lực tự thiết kế mẫu mã và phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, ưu tiên sản xuất giày, dép da thời trang và cặp, túi ví chất lượng cao phục vụ thị trường mới, thị trường cao cấp và thị trường nội địa.
Riêng với lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao, tỉnh đặt mục tiêu phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, phát triển ngành CNHT ngành điện tử để có thể từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng linh, phụ kiện cho thị trường trong nước, khu vực. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu…
Để thực hiện tốt cũng như đạt được các mục tiêu trên, hiện nay, tỉnh cùng với nhiều cơ quan chức năng đang tập trung kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trên địa bàn tỉnh trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNHT. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã và đang hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT. Dự kiến, thời gian tới, lần lượt khoảng 10 lượt doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước về chính sách phát triển CNHT. Hơn nữa, tỉnh còn tích cực hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và vận hành trang thông tin về CNHT. Ngoài ra, hiện tỉnh đang đẩy mạnh việc hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất…
Tin tưởng rằng, với chính sách, cơ chế đầu tư thuận lợi, cũng như dư địa cho CNHT còn nhiều tiềm năng, thời gian tới, Hậu Giang sẽ ngày càng phát triển các sản phẩm CNHT thế mạnh, đáp ứng nhu cầu nội địa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp không ngừng thúc đẩy, mở rộng sản xuất.
Nam Hà