Đây là thông tin được ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết tại “Hội nghị tham vấn DN: Đánh giá 18 tháng thực hiện Hệ thống thông quan điện tử (VNACCS)” diễn ra ngày 6/11 tại TPHCM, do Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
95% DN hài lòng với thông quan điện tử
Hệ thống VNACCS được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thay thế cho phương thức thực hiện thủ công trên giấy trước đây. Kể từ tháng 6/2014, tất cả các chi cục hải quan trên toàn quốc đã chính thức thực hiện thủ tục hải quan trên hệ thống này nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN.
Tổng hợp ý kiến bằng nhiều hình thức trong suốt quá trình triển khai hệ thống đến nay, có thể thấy rằng cộng đồng DN đã quen và đánh giá cao hệ thống này.
Để có được cái nhìn khách quan về lợi ích mà hệ thống thông quan điện tử mang lại cho DN, Tổng cục Hải quan đã tổ chức một cuộc khảo sát nhanh với quy mô khoảng 500 DN thuộc các ngành nghề khác nhau trên toàn quốc từ ngày 7-20/10 vừa qua.
Theo kết quả khảo sát, có 12% DN rất hài lòng, 83% hài lòng và chỉ có 5% chưa hài lòng.
Lý do chưa hài lòng được các DN đưa ra là do các tiêu chí khai báo trên tờ khai còn nhiều hạn chế, không phản ánh đúng thông tin cần khai báo như giới hạn số lượng ký tự tại các chỉ tiêu số lượng, trị giá…
Hơn nữa, do một tờ khai chỉ cho phép khai báo 50 dòng hàng nên DN phải dùng nhiều tờ khai đối với lô hàng lớn hay phải khai báo 2 lần số container nhập khẩu. Việc liên hệ với bộ phận hỗ trợ cũng thường phải chờ khá lâu gây trở ngại cho việc thực hiện thủ tục hải quan của DN.
Ông Vũ Ngọc Anh lý giải, trong vòng 2 năm vừa phải xây dựng tài liệu và phần mềm, hệ thống, đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định, văn bản dưới luật cho phù hợp nên không tránh được những thiếu sót. Hơn nữa, một số vấn đề kỹ thuật chưa phù hợp với thực tế môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Kiểm tra chuyên ngành sẽ đơn giản hơn
Cũng theo ông Ngọc Anh, bất cập lớn nhất hiện nay được các DN nhắc tới vẫn là kiểm tra chuyên ngành. Theo thống kê, trong 100 tờ khai hải quan, có tới 38 tờ khai hải quan kiểm tra chuyên ngành.
Ông Ngọc Anh cho biết, “38 tờ khai ấy chịu sự điều chỉnh của hơn 10 luật, 500 văn bản từ nghị định đến thông tư, cho đến những quyết định, công văn, của các bộ, ngành”.
Để khắc phục những bất cập này, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài Chính mà cụ thể là Tổng cục Hải quan chủ trì, xây dựng đề án sao cho những quy định về kiểm tra chuyên ngành một mặt phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thứ hai là phân loại được những gì phải kiểm tra ngay từ cửa khẩu, những gì có thể kiểm tra sau.
Đối với DN thường xuyên nhập khẩu một loại hàng hóa mà rủi ro thấp, phải có cách kiểm tra khác đi. Đối với mặt hàng cần kiểm tra tại cửa khẩu, cần phải bảo đảm đủ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như con người để việc kiểm tra nhanh chóng, thuận tiện.
Ông Ngọc Anh cho biết, đề án nói trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng cục Hải quan đang tích cực cùng các bộ, ngành liên quan triển khai. Cụ thể, sẽ sửa đổi, bổ sung thậm chí bãi bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc hiện đại tại các cửa khẩu.
Ngày 1/12 tới đây, sẽ triển khai thực hiện tại hàng loạt cảng biển, sân bay và một số cửa khẩu lớn. Ông Ngọc Anh cho rằng, giảm thiểu thủ tục hành chính, thay đổi cách thức kiểm tra, kết hợp với việc thực hiện hải quan điện tử sẽ giải quyết được hầu hết những vướng mắc mà các DN đang gặp phải.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ