Thứ Bẩy, 23/11/2024 01:20:02 GMT+7
Lượt xem: 1587

Tin đăng lúc 02-05-2021

Hiệp định UKVFTA: Tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường Anh

Ngày 01/01/2021, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) đã được ký kết. Đây là một dấu ấn cho Việt Nam khẳng định mình trên trường quốc tế và trở thành trung tâm của dòng chảy thương mại, cũng như tự cường trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Mặt khác, UKVFTA còn giúp doanh nghiệp Việt Nam tự chuyển đổi mình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Hiệp định UKVFTA: Tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiến vào thị trường Anh
Xuất khẩu gạo Việt Nam đang tăng mạnh, được người tiêu dùng ưu dùng

Những thuận lợi từ Hiệp định UKVFTA

 

Sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực thì 65% dòng thuế được xóa bỏ và sẽ tăng lên 99% sau 06 năm. Đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Vương quốc Anh sẽ thực hiện toàn bộ nội dung trong cam kết từ Hiệp định Thương mại tự do và liên minh châu Âu (EVFTA). Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan với 48,5% số thuế và sau 6 năm sẽ tăng lên gần 91,8% số dòng thuế. Sau 9 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế.

 

Trong đàm phán và ký kết thì Hiệp định UKVFTA không khác nhiều so với EVFTA. Bên cạnh việc Vương quốc Anh đồng ý cắt giảm thuế cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam theo lộ trình của Hiệp định thì Anh quốc còn dành hạn ngạch thuế quan cho 14 mặt hàng mà Việt Nam đang được hưởng ưu đãi trong Hiệp định EVFTA, đó là những mặt hàng có nhiều thế mạnh như: Gạo, tinh bột sắn, thủy sản…

 

Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Hiệp định UKVFTA được đàm phán trên cơ sở kế thừa của Hiệp định EVFTA, bao gồm các lĩnh vực như: Thương mại, dịch vụ, đầu tư phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ… Đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để đảm bảo phù hợp một Hiệp định FTA trong khuôn khổ song phương. Đây là điều kiện thuận lợi để kết thúc đàm phán một cách thuận lợi hơn so với FTA khác.

 

Theo các chuyên gia đánh giá, Vương quốc Anh hiện đứng thứ 16 các quốc gia có đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký gần 4 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Anh nhiều hơn nhập khẩu. Do vậy, mức cắt giảm thuế đối với hàng hóa Việt Nam là rất lớn. Đó là những điều kiện thuận lợi để nước ta tăng cường xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cắt giảm thuế cho hàng hóa của Anh, từ đó hàng hóa của Anh vào thị trường Việt Nam cũng thuận lợi hơn.

 

Thực tế cho thấy, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm gần 1% thị phần trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm gần 700 tỷ USD (năm 2019) của Vương quốc Anh. Sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực, nhiều ngành có lợi thế như: Thủy, hải sản, gạo, dệt may, gỗ, rau quả, da giày… Dư địa tăng trưởng tại thị trường này cho hàng hóa của Việt Nam còn rất lớn. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 02 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 1,024 tỷ USD, tăng 20,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, Hiệp định UKVFTA đã tạo ra động lực quan trọng trong việc phục hồi trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong năm 2021.

 

Cần khai thác những hàng hóa có nhiều lợi thế để xuất khẩu

 

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết: Vương quốc Anh hiện là một trong 10 nước nhập khẩu gạo có giá trị cao nhất thế giới với kim ngạch là 531,1 triệu USD trong năm 2019. Sau khi Hiệp định UKVFTA được ký kết, ngày 26/1/2021, nhiều thương vụ  được ký kết. Điển hình, 60 tấn gạo thơm đầu tiên của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu vào Anh đã được bán tại thị trường London, do doanh nghiệp Long Dan tại Anh nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện chuỗi siêu thị này đang bán lẻ với giá 15,5 Bảng/10 kg, tương đương với 465.000 đồng/10 kg. Theo tính toán, dự kiến giá trị thuế xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khi vào thị trường Anh sẽ tiết kiệm khoảng 3.500 tỷ đồng mỗi năm và có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Mặt khác, đối với các quốc gia nhập khẩu gạo khác cũng có thể nhìn nhận và đánh giá gạo Việt Nam có chất lượng cao, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường này và mở ra nhiều tiềm năng sẽ thâm nhập vào các thị trường khác. Qua đó, Bộ Công Thương cần phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, phù hợp với Hiệp định. Đồng thời, triển khai việc xây dựng kế hoạch thực thi, nhằm tận dụng tối đa cơ hội mang lại từ Hiệp định này.

 

Từ thực tiễn của Việt Nam trong quá trình thực thi các Hiệp định FTA thời gian qua, Hiệp định UKVFTA là một Hiệp định khá thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam, nhưng để thực hiện thành công hơn nữa Hiệp định này, các cơ quan chức năng thực thi và doanh nghiệp cũng cần chú ý một số điểm như:

 

Thứ nhất, cơ quan quản lý cần xây dựng kế hoạch thực thi một cách chi tiết, rõ ràng, cụ thể; Xác định rõ công việc cần làm, thời gian và cơ quan nào phụ trách. Đặc biệt, có sự phối hợp giữa cơ quan phụ trách thực thi với các Bộ, ngành và địa phương.

 

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp hiểu rõ, đầy đủ về các Hiệp định EVFTA, đặc biệt, FTA thế hệ mới một cách cụ thể hơn, hướng đến những nội dung mà doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý quan tâm.

 

Thứ ba, về phía doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, mạnh dạn đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tuyển dụng các chuyên gia về FTA... Điều đó, giúp cho doanh nghiệp tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường và tránh những rủi do không đáng có trong kinh doanh.

 

Thứ tư, phải xây dựng đội ngũ chuyên gia về FTA ở các cơ quan quản lý, cũng như cán bộ hiểu về FTA, từ đó tham mưu cho lãnh đạo nắm rõ các cam kết, định hướng về cơ chế, chính sách của Hiệp định trong quá trình thực hiện, bởi hiện nay Việt Nam đang tham gia vào nhiều Hiệp định FTA và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.

 

Công Du


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang