Thứ Năm, 21/11/2024 23:39:18 GMT+7
Lượt xem: 4227

Tin đăng lúc 04-07-2015

Hiểm họa từ rượu không rõ nguồn gốc

Rượu thủ công, rượu không công bố chất lượng sản phẩm chiếm tới 80% lượng rượu lưu hành trên thị trường. Để kiểm soát được rượu không rõ nguồn gốc, phòng tránh ngộ độc rượu, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng quản lý thị trường.
Hiểm họa từ rượu không rõ nguồn gốc

Rượu không nhãn mác, chưa kiểm định chất lượng đóng can 20 lít bị Đội QLTT số 14 tiêu hủy ngày 16/6

 

Tràn lan rượu chưa kiểm định

 

Ngày 9/6/2015, Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra và lập biên bản tạm giữ một số thùng rượu dân tộc đóng can chưa rõ chất lượng tại số 24, ngõ 56 phố Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm – Hà Nội. Ở hiện trường, hàng chục thùng rượu màu xanh loại 20 lít không nhãn mác đang được chiết ra các chai nhỏ để tiêu thụ. Tất cả số rượu trên đều không ghi ngày tháng sản xuất và không có giấy kiểm định chất lượng.

 

Sau đó, ngày 16/6/2015, Đội QLTT số 14 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lô rượu bị bắt nói trên. Theo đó, Đội QLTT số 14 đã xử phạt hành chính hộ kinh doanh Hoàng Thị Mơ (chủ số hàng trên) tổng cộng 22 triệu đồng; buộc tiêu hủy toàn bộ 23 can rượu đóng can loại 20 lít gồm: 11 can rượu nhãn hiệu Rucota Táo mèo, 2 can rượu Ba kích; 7 can rượu Rucota Chuối hột; 3 can Rượu nếp cái hoa vàng.

 

Các loại rượu bị thu giữ trên đây là sản phẩm của cơ sở sản xuất rượu tư nhân Đào Công Thành – có trụ sở tại HTX rượu Thành Nhàn – xã Nghĩa Dân – huyện  Kim Động - Hưng Yên. Theo quảng cáo trên mạng, cơ sở này sản xuất đủ các loại rượu từ rượu táo mèo, rượu dừa, rượu ba kích, rượu chuối hột… theo phương pháp thủ công.

 

Trước đó, tháng 2/2015, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49) - Công an Hà Tĩnh đã đình chỉ cơ sở sản xuất rượu “Côộc toóc” không phép. Cụ thể, cơ sở này đóng tại nhà ông Nguyễn Đình Hồng, (xóm Tân Lộc, xã Thạch Điền, huyện Thạch Hà) với công suất 50 – 60 lít rượu/ngày. Kiểm tra thực tế quy trình nấu rượu của cơ sở này thì dây chuyền khử rượu không hề hoạt động (mặc dù trước đó chủ cơ sở đã mua thanh lý một máy khử độc rượu công suất 250 lít/ngày với giá 30 triệu đồng). Lực lượng chức năng phát hiện trong kho có 50 can nhựa 20 lít, 25 thùng giấy chứa vỏ chai rượu 250 ml (mỗi thùng 20 chai), 7 can 10 lít, 5 can 20 lít rượu đã nấu (chưa qua khử độc), 48 thùng nhựa màu đỏ cùng nhiều nhãn mác rượu các loại…

 

Quá trình kiểm tra, chủ cơ sở thừa nhận trong quá trình sản xuất rượu chưa làm bất cứ hồ sơ thủ tục gì, kể cả đăng ký kinh doanh, giấy phép sản xuất, nhãn mác… PC49 Công an Hà Tĩnh đã yêu cầu cơ sở chấm dứt sản xuất rượu cũng như việc bán sản phẩm ra thị trường

 

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

 

Theo thống kê của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 800 triệu lít rượu lưu thông trên thị trường, trong đó rượu công nghiệp chỉ chiếm 20%, còn lại là rượu nấu thủ công rất khó kiểm tra, kiểm soát quy trình, chất lượng.

 

Để kiểm soát nguồn gốc, chất lượng rượu, nhất là rượu nấu thủ công, ngày 12/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh rượu (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013). Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm phải dán nhãn mác, đăng kí kinh doanh với chính quyền địa phương… Tuy nhiên, sau hơn 2 năm nghị định có hiệu lực thi hành, tình trạng buôn bán rượu tự nấu, không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ vẫn tràn lan tại nhiều địa phương trên cả nước.

 

Ví dụ tại huyện Vĩnh Tưởng – Vĩnh Phúc, cả huyện có trên 1.000 hộ kinh doanh và nấu rượu, trong đó, có 250 hộ trực tiếp sản xuất rượu thủ công. Trung bình mỗi ngày ở đây cung cấp ra thị trường trên 5.000 lít rượu. Các hộ cũng cho biết, muốn bảo đảm các thông số như etanol, methanol... về an toàn vệ sinh thực phẩm thì rượu sau khi nấu phải được chưng cất qua hệ thống lọc khử, trong khi để đầu tư được hệ thống này phải mất ít nhất vài chục triệu đồng/bộ. Số tiền quá lớn nên không hộ dân nào đầu tư.  

 

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 14 khuyến cáo, người tiêu dùng tuyệt đối không nên dùng những loại rượu được quảng cáo là rượu ngâm, rượu quê, rượu dân tộc… chưa được qua kiểm định chất lượng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Về khía cạnh quản lý nhà nước, để kiếm soát tốt được rượu sản xuất theo phương pháp thủ công, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, nơi có các cơ sở sản xuất. Thực tế, Nghị định 94 đã có đầy đủ các cơ sở về văn bản quy phạm pháp luật để quản lý rượu thủ công. Nhưng cái chính là các địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, quyết liệt quy định này.

 

Ông Nghĩa cũng cho biết, tới đây lực lượng QLTT sẽ vào cuộc quyết liệt hơn nữa, kiên quyết xử lý mạnh tay và tận gốc đối với những loại rượu không có giấy phép, không có công bố chất lượng, ở cả khâu bán lẻ đến bán buôn. Ngoài ra, việc quản lý rượu thủ công, rượu nhập lậu nói chung rất cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, lực lượng QLTT…

 

Nguồn: Báo Công Thương điện tử


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang