Thứ Hai, 25/11/2024 05:31:35 GMT+7
Lượt xem: 768

Tin đăng lúc 08-04-2021

Hiệp định CPTPP tác động ban đầu cho xuất khẩu

Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.
Hiệp định CPTPP tác động ban đầu cho xuất khẩu
Mặt hàng giày dép của Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước CPTPP.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, tính tới nay đã hơn 2 năm. Cùng thời điểm này, kinh tế Việt Nam và thế giới bị xáo trộn nghiêm trọng dưới tác động của đại dịch Covid-19, vì thế các kết quả thực thi CPTPP từ khi có hiệu lực đến nay hầu như chỉ có thể được phản ánh tương đối xác thực.

 

Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,7%. Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng (trong khoảng từ 26%-36%). Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.

 

Đặc biệt, CPTPP đang thể hiện hiệu ứng tốt trong mở đường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tiến vào châu Mỹ một cách trực tiếp (ở các thị trường mà CPTPP đã có hiệu lực, gồm Canada và Mexico) và cả gián tiếp (thông qua động lực thúc đẩy thương mại song phương với các thị trường mà CPTPP chưa có hiệu lực như Peru, Chile).

 

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thị trường xuất khẩu vào khu vực CPTPP đối với các sản phẩm nông sản, các DN Việt Nam đã cố gắng cải thiện chất lượng, nhưng vì quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn trong việc cải thiện chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh một cách đồng bộ.

 

 “Gia nhập CPTPP ngoài việc giúp DN tăng kim ngạch xuất khẩu còn là động lực để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt tạo sức ép về cạnh tranh buộc DN phải nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa và năng lực của mình”, bà Trang cho biết.

 

Để tiếp tục tạo thuận lợi giúp các DN tục tận dụng tốt hơn Hiệp định CPTPP trong thời gian tới, bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, Chính phủ cần rà soát quy định pháp luật liên quan, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN; tăng cường về truyền thông, thông tin về thị trường, định hướng cho DN trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, giúp nâng cao năng lực cho DN.

 

Trong so sánh với mặt bằng chung, lợi ích từ CPTPP còn khiêm tốn. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi các thị trường CPTPP (7,2%) thấp hơn so với mức 8,4% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đi toàn thế giới trong cùng thời kỳ. Hơn nữa, với một số thị trường CPTPP, đà tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn trước khi có CPTPP vốn cũng đã ở mức cao hơn đáng kể so với trung bình xuất khẩu đi các thị trường khác, cho thấy CPTPP dường như chỉ có tác động bổ trợ nào đó cho đà tăng tự nhiên này.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, mặc dù trong 2 năm đầu thực thi CPTPP, nhà nước đã có một số thay đổi về thể chế theo cam kết của Hiệp định song không nhiều. Những cải cách để tận dụng cơ hội từ CPTPP và các FTA khác chưa thực sự rõ rệt.

 

Theo bà Trang, 55,26%  DN đã bày tỏ ý kiến cho rằng, Hiệp định CPTPP đã có sự tác động rõ rệt về mặt thuế quan. Còn những yếu tố khác như quyền sở hữu trí tuệ, quyền được bảo hộ cao hơn theo CPTPP cũng được các DN cho biết đã có sự chuyển biến nhưng tỷ lệ khá khiêm tốn (tỷ lệ 18.42%). Sự đổi mới về môi trường kinh doanh cũng là yếu tố được đánh giá cải thiện khi đạt tỷ lệ 25%.

 

“Tuy nhiên, vẫn còn 3/4 DN cho rằng, CPTPP chưa có tác động rõ rệt đến họ. Lý do được nhiều DN nhắc nhất là CPTPP không biết có lợi ích gì để tận dụng (75,27%). Do đó, cần phải để DN hiểu rõ, nhất là FTA này có lợi với họ như thế nào, sau đó mới đến các thông tin khác như DN bị thiệt hại gì từ CPTPP”, bà Trang lưu ý.

 

Thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều DN chưa tận dụng được ưu đãi thuế quan từ CPTPP. Lý do mà phần lớn các DN đưa ra là vì họ đã có ưu đãi trong các FTA khác tốt hơn CPTPP. Tuy nhiên, lý do đáng quan ngại hơn cả được nhiều DN đưa ra chính là họ không biết về ưu đãi thuế quan trong CPTPP, không biết Hiệp định CPTPP có lợi ích gì? Lý do này chủ yếu “mắc” ở nhóm các DN trong nước, còn nhóm các DN FDI thường không lựa chọn ưu đãi từ CPTPP mà chủ yếu do họ đã lựa chọn ưu đãi từ các FTA khác.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, tới đây CPTPP và các FTA khác sẽ tạo đà phục hồi cho các DN thời hậu Covid. Còn trong tương lai xa, các FTA nói chung cũng như CPTPP nói riêng sẽ mang lại cơ hội hợp tác kinh doanh, cơ hội cho DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và giúp cải thiện môi trường kinh doanh, đó là những cơ hội được nhiều DN kỳ vọng nhất.

 

Để các DN đạt được kỳ vọng này, bà Trang cho rằng các nhà quản lý cần hết sức lưu tâm, làm sao để DN thấy rõ những cơ hội thực, DN không bị rơi vào tình trạng hụt hẫng khi lạc quan quá mức. Bên cạnh đó, các DN hiện nay vẫn còn nhiều lo lắng khác cần giải tỏa, nhất là khi năng lực cạnh tranh của chính DN trong nước vẫn yếu, nhiều DN không đủ nội lực, nguồn vốn để thực thi các kế hoạch đón CPTPP./.

 

Theo VOV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang