Hội nhập Quốc tế là một điểm nhấn quan trọng của Việt Nam trong năm 2020. Chưa khi nào trong vòng 1 năm, Việt Nam đã tham gia 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP và FTA Việt Nam - Vương Quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số FTA mà Việt Nam đã kí và đưa vào thực thi lên con số 15.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, với Hiệp định CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%.
5 tháng sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, trong năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước đối tác, tích cực tìm kiếm giải pháp xử lý những vấn đề vướng mắc, để kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP sau 8 năm và tổ chức thành công Lễ ký kết Hiệp định RCEP vào tháng 11/2020.
“Việc ký kết Hiệp định RCEP - Hiệp định Thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, tạo điều kiện để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực qua đó mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Việc thiết lập Hiệp định RCEP cũng sẽ cung cấp thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN cũng như tạo ra cấu trúc thương mại khu vực mới trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam và khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định.
Chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 12 vừa qua, FTA Việt Nam – Vương Quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức được kí kết và có hiệu lực từ ngày 31/12/2020. UKVFTA cùng với các Hiệp định khác sẽ tiếp tục góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại của Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới.
FTA tạo triển vọng tương lai có lợi cho Việt Nam
Có thể thấy, các FTA với những cơ hội ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác FTA, qua đó giúp gia tăng cơ hội cạnh tranh về giá cho những hàng hóa này. Bên cạnh đó là việc giảm bớt các hàng rào phi thuế bất hợp lý, thống nhất và minh bạch hơn về thủ tục, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cắt giảm thuế quan sâu rộng liên tục, các FTA với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai, đã mở ra một triển vọng tương lai theo hướng có lợi cho Việt Nam, khi tham gia vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu.
Phân tích rõ về điều này, PGS. TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh việc khai thác tốt các thị trường truyền thống, thời gian qua Việt Nam mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA. Điều này giúp DN trong nước tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản vốn là lợi thế của Việt Nam.
“Cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho DN đã và đang tạo động lực rất lớn trong việc phát triển các DN xuất khẩu cũng như thu hút mở rộng đầu tư. Ngoài ra, các FTA giúp chuyển dịch cơ cấu về thành phần xuất khẩu đã có dấu hiệu tích cực, khi xuất khẩu của khối DN trong nước có mức tăng trưởng cao vượt khu vực DN đầu tư nước ngoài”, PGS. TS. Phạm Tất Thắng nhận xét.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, các FTA đang gắn chặt với quá trình tái cấu trúc, sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung và của các DN sản xuất trong thời gian 5-7 năm trở lại đây, cũng như tác động sau 2 đợt dịch Covid-19. Sự chuyển dịch diễn ra cả về nội hàm, đối tác và đi kèm với đó là sự chuyển dịch các dòng đầu tư đang diễn ra khá mạnh mẽ.
“Sự tác động của các FTA ngoài cái nhìn thuần túy về thị trường còn mang đến hiệu quả lớn về đối tác, công nghệ lõi và mặt hàng chiến lược. Bởi ngoài xuất khẩu, các FTA chắc chắn sẽ kéo theo sự dịch chuyển về đầu tư, thương mại, nhất là nhân lực chất lượng cao”, TS. Võ Trí Thành đánh giá.
Xung quanh câu chuyện tận dụng các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ, thực tế cho thấy một số DN mới chỉ quan tâm đến thuế suất, mã hàng hóa, trong khi còn nhiều vấn đề phi thuế quan khác DN cần quan tâm. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền hiểu biết cho DN về các FTA, nâng cao trình độ quản trị, đa dạng hóa thị trường, xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro,... Chính phủ cần “chung tay” với DN trong cải cách thể chế, nhanh chóng luật hóa các cam kết để tạo thuận lợi cho DN./.
Theo VOV