Thứ Tư, 15/01/2025 08:38:06 GMT+7
Lượt xem: 84

Tin đăng lúc 14-01-2025

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để đạt mục tiêu 1,5 tỷ USD năm 2025

Ngày 10/01/2025, tại thành phố Quy Nhơn, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để đạt mục tiêu 1,5 tỷ USD năm 2025
Ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định báo cáo kết quả đạt được của ngành gỗ trong năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Hiệp hội trong năm 2025

Vượt thách thức, giữ vững, phát triển cả ngành hàng và thị trường

 

 Thành tích nổi bật của ngành Gỗ Bình Định trong năm 2024 là giữ được tốc độ tăng trưởng khá, giá trị kim ngạch kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023, chiếm khoảng 62% tổng KNXK toàn tỉnh; đóng góp vào thành tích xuất khẩu chung của ngành Gỗ Việt Nam với KNXK ước đạt 16,2 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Mặt khác, nỗ lực hoạt động thu hút đầu tư ngành Gỗ vào tỉnh Bình Định khả quan; trong năm đã thu hút 31 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 3.379 tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2023; nâng tổng số doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ lên hơn 370 DN với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm hơn 30.000 lao động địa phương và giữ vững vị thế của Bình Định là một trong bốn trung tâm chính chế biến xuất khẩu sản phẩm gỗ của cả nước.

 

 

Quang cảnh hội nghị

 

 Trong tình trạng khó khăn chung của thị trường trong nước và quốc tế với các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và môi trường, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã chủ động phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam và các hiệp hội ngành gỗ, các hiệp hội bạn trên địa bàn tỉnh bám sát tình hình thực tế của thị trường trong nước và quốc tế để đưa ra các phân tích, nhận định, dự báo, định hướng phát triển, khuyến nghị cho hội viên ngành gỗ cả nước nói chung và ngành Gỗ Bình Định nói riêng. Lãnh đạo Hiệp hội đã nhạy bén, linh hoạt, luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Chính phủ, các bộ ngành, nhất là sự hỗ trợ nhiệt tình của Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND Bình Định, các Sở ban ngành, địa phương trong tỉnh về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị kịp thời đến các bộ, ngành của Trung ương về vấn đề liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN ngành gỗ và ngành hỗ trợ ngành gỗ…

 

 Động lực cho năm 2025 đã được khai thông

 

 Năm 2025, ngành Gỗ tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đạt KNXK tăng 7%-10% so với năm 2024, đạt khoảng 1,2 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Hiệp hội tiếp tục tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng, cấu trúc lại năng lực cốt lõi của DN theo phương châm “tự lực, tiết kiệm” từ cải tiến, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh phù hợp năng lực, điều kiện của từng hội viên, tập trung cho các nhóm hàng giá trị gia tăng cao. Đồng thời, tích cực tham mưu xây dựng chính sách phát triển ngành; phối hợp triển khai thực hiện các dự án, tổ chức các hội thảo, diễn đàn thương mại gỗ với các tổ chức quốc tế;…

 

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

 

 Không hài lòng với mục tiêu ngành gỗ đặt ra 1,2 tỷ USD trong năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Anh Tuấn khẳng định: Trong giai đoạn tăng tốc, bứt phá để hoà nhịp với kỷ nguyên vươn mình, tỉnh Bình Định tập trung 3 mũi nhọn, đó là đầu tư công địa phương, thúc đẩy tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có xuất khẩu gỗ. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Gỗ nỗ lực phấn đấu xuất khẩu hàng hoá đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2025 này. Các DN tăng cường phối hợp, đoàn kết, chia sẻ nhiều thông tin và cộng tác cùng nhau, mở ra thị trường mới và có thêm sản phẩm mới trên cơ sở chế biến sâu. Hiệp hội cùng lãnh đạo tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, bởi giai đoạn hiện nay là giai đoạn chuyển giao, thay đổi, tăng tốc phát triển kể cả ngành Gỗ Bình Định. Do đó, ngành Gỗ tập trung ứng dụng công nghệ để đảm bảo tăng năng suất lao động; đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xanh, trong đó cần bắt đầu từ nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến. Lãnh đạo tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và mong các DN ở tỉnh nỗ lực kinh doanh, mở rộng thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, các DN ngành Gỗ cần tăng cường thực hiện chế biến sâu và tuần hoàn, đa dạng hoá sản phẩm, mẫu mã để gia tăng giá trị sản phẩm; liên kết với người dân, địa phương phát triển diện tích rừng gỗ lớn, vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, vừa bảo vệ môi trường. 

 

 

FPA Bình Định trao Quyết định kết nạp 10 doanh nghiệp hội viên mới

 

Động lực mới cho ngành gỗ năm 2025 sẽ được khai thông: Sắp tới, tỉnh sẽ nhập 3 công ty lâm nghiệp thành một công ty và công ty này sẽ tập trung trồng rừng gỗ lớn trên 10 năm mới được khai thác, đảm bảo vấn đề lâu dài. Hiên tại, tỉnh Bình Định đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng để tổ chức giao thương hàng hoá, xuất khẩu. Sắp đến, tỉnh sẽ khởi công KCN Phù Mỹ, sau đó cũng khởi công Cảng Phù Mỹ, đầu tư nâng cấp sân bay Phù Cát thành sân bay quốc tế. 

 

Bên cạnh sản xuất kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn mong muốn tổ chức, tham gia các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Bắt đầu năm 2025, hằng tháng, lãnh đạo tỉnh sẽ tổ chức hội nghị đối thoại với các DN toàn tỉnh để nắm bắt và có giải pháp tháo gỡ khó khăn và các chính sách hỗ trợ kịp thời; tỉnh luôn đồng hành tạo điều kiện tốt nhất cho DN vượt khó, để cùng chính quyền xây dựng địa phương giàu mạnh. 

 

 Văn Thuận

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang