Cụ thể, giai đoạn 2020-2023, Trung tâm Khuyến công (TTKC) tỉnh đã triển khai thực hiện 20 đề án khuyến công quốc gia và địa phương, hỗ trợ 29 cơ sở CNNT với tổng kinh phí thực hiện 16,9 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ các cơ sở 5,3 tỷ đồng, thu hút tổng vốn đầu tư của các cơ sở 11,6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 600 lao động địa phương.
Các nội dung hỗ trợ chủ yếu là, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Hỗ trợ mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường... Qua đó, giúp các cơ sở CNNT có hướng đầu tư đúng, nâng cao được chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất - kinh doanh, tạo sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững.
Ông Trần Hoàng Em - Giám đốc TTKC tỉnh Cà Mau cho biết: Những năm qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn của tỉnh đã đạt kết quả đáng khích lệ, tạo điều kiện để các cơ sở CNNT có cơ hội ứng dụng thiết bị, máy móc hiện đại, nâng cao chất lượng, mở rộng sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước. Các đề án khuyến công góp phần tích cực tham gia thực hiện chính sách, giải pháp của Ðảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp khu vực nông thôn. Từ đó, góp phần nâng cao tỷ trọng CNNT trong toàn ngành; tăng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới. Mặc dù nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ cơ sở CNNT còn hạn chế, nhưng chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò là nguồn “vốn mồi”, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh của đơn vị.
Trong năm 2024 và thời gian tiếp theo, TTKC tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, nội dung hoạt động khuyến công trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện kế hoạch khuyến công đến các cơ sở CNNT trên địa bàn... nhằm giúp các cơ sở CNNT hiểu rõ lợi ích từ chính sách khuyến công, từ đó, mạnh dạn đăng ký tham gia.
Tiếp tục thực hiện đề án khuyến công theo kế hoạch đã được phê duyệt; Tư vấn, hỗ trợ các cơ sở CNNT trong thiết kế bao bì sản phẩm; Áp dụng công nghệ mới và các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Phát triển sản phẩm mới giá trị gia tăng, tiềm năng, trong đó, ưu tiên sản phẩm từ nguồn nguyên liệu chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm CNNT tiêu biểu... Ưu tiên hỗ trợ các cơ sở CNNT địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Hiện nay, TTKC Cà Mau đang kiểm tra, giám sát tình hình đầu tư sản xuất - kinh doanh của các cơ sở CNNT thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ thực hiện đề án khuyến công theo quy định, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời giúp cơ sở CNNT ổn định phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế CNNT, tạo việc làm nâng cao đời sống cho người lao động.
Công Du