Tiêu dùng xanh có thể được định nghĩa là việc mua, sử dụng và tuyên truyền các sản phẩm thân thiện với môi trường mà không gây nguy cơ cho sức khỏe con người và không đe dọa các chức năng hay sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên. Tiêu dùng xanh xuất phát từ mong muốn bảo vệ các nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai và nâng cao chất lượng sống của con người.
Sau đại dịch COVID-19, nhiều người tiêu dùng cho biết, họ ưu tiên mua các thực phẩm Organic, BiOrganic, thực phẩm không biến đổi gen,… vì sử dụng phương pháp trồng trọt, chăn nuôi truyền thống, không tác động tiêu cực đến môi trường. Mặc dù chi phí cho các sản phẩm này tăng cao nhưng người dùng vẫn chấp nhận vì ý thức được vấn đề liên quan đến sức khỏe và hệ sinh thái.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025, TP phấn đấu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất gồm: Dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa, hóa chất, giấy; 100% các khu, cụm công nghiệp và 70% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về tiêu dùng bền vững; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại phân phối, sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy; xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững.
Đồng thời, khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại; khuyến khích lồng ghép nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chương trình đào tạo, giảng dạy tại các cấp đào tạo.
Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp nhiều tiềm năng. Cùng với việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng...
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội đã tập trung đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực: Mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, nhằm giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến các dịch vụ bán hàng, góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế một cách bền vững, TP Hà Nội đã triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua đã giúp khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, Sở Công thương Hà Nội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên vật liệu trong sản xuất và tiêu dùng, khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên, nhiên vật liệu có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế. Ðồng thời, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, phát triển và phổ biến các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Theo scp.gov.vn