Mất 20 phút đi xe máy qua đường đèo núi hiểm trở, đất đỏ sình lầy, chúng tôi mới đến được với HMong farm - trang trại trồng cà phê rộng 20 hecta đầu tiên nằm sâu trong núi, ở độ cao cách mực nước biển 1.400m.
Cái duyên tìm ra vùng đất mới
Lần đầu tiên đặt chân đến “vùng đất ngủ quên" thuộc Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) khoảng 7-8 năm trước, Mỹ Linh bị ấn tượng bởi cảnh quan rừng núi chưa có bất kỳ một dấu hiệu khai thác nông nghiệp, khí hậu trong lành. Vùng đất được tưới tắm bằng mạch nước từ thượng nguồn đổ xuống cực kỳ tinh khiết, hoá chất và ô nhiễm là 2 thứ không tồn tại ở đây. Cô hạnh phúc gọi HMong Farm ở Đắk G’Long là “hành trình khai phá vùng đất mới", “tìm thấy vùng nguyên liệu sạch"...
HMong Farm nằm gần làng của người dân tộc HMong và cách xa những vùng trồng trọt khác. Không gì thích hợp bằng chọn trồng cây cà phê ở đây. Bắt tay cùng người HMong để trồng và chăm sóc cây cà phê, Mỹ Linh nhận ra khác biệt về thổ nhưỡng cũng như khí hậu đã tạo ra biến đổi lớn về chất lượng cây trồng.
Cô chia sẻ: “Mảnh đất trước của tôi có khí hậu nóng. Đắk Nông là khí hậu lạnh, ban đêm có thể xuống 8-9 độ, buổi sáng nâng lên tầm 20 độ. Đây là nhiệt độ rất thích hợp để cây cà phê phát triển và không bị khô cây.
Mặt khác, mảnh đất cũ đã trải qua thời gian dài sử dụng, đất ngậm nhiều hoá chất khiến cây không thể phát triển theo hướng sạch, hữu cơ. Trong khi ở Đắk Nông, HMong Farm được hưởng trọn nguồn đất đỏ bazan màu mỡ, độ ẩm trong đất cao, chỉ cần cầm một nhúm đất trong tay đã cảm nhận được sự tơi xốp và giàu dinh dưỡng của đất. Cây trồng cần lắm những vùng đất như vậy, và hiện tượng cây mất nước, cây khô không bao giờ xảy ra.
Nguồn nước cũng là một vấn đề quan trọng. Không có nguồn nước nào đảm bảo độ sạch và tinh khiết như nước thượng nguồn ở sâu trong rừng như của HMong Farm bây giờ".
HMong Farm trồng duy nhất cây cà phê. Đây cũng là điểm thuận lợi giúp cây cà phê ở đây ít bị nhiễm bệnh hay lây bệnh chéo từ các cây trồng nông nghiệp khác. Nhờ vậy, trong 6 năm chăm sóc cây, người nông dân của H’Mong Farm hoàn toàn không dùng đến các loại thuốc hoá học để chữa bệnh cho cây mà cây vẫn lớn nhanh phơi phới.
Biến thô sơ thành thế mạnh
Đắk G’Long (Đắk Nông, thuộc Tây Nguyên) là nơi có nhiều người dân tộc sinh sống, trong đó có người HMong. Đa phần đời sống của họ khó khăn và thô sơ trong kỹ thuật canh tác nông nghiệp. Thế nhưng chính kỹ thuật nông nghiệp thô sơ (không có khái niệm “dùng thuốc trừ sâu", “phân bón hoá học") lại thuận tiện cho HMong Farm phát triển kinh tế nông nghiệp sạch theo hướng sạch, hữu cơ.
Tại HMong Farm, người dân tộc H'Mông tự cắt cỏ cho vườn cà phê rộng hơn 20 hecta, họ cũng là người bón phân hữu cơ và tưới tắm cho cây trồng thường xuyên, đảm bảo cây lớn lên tốt và sạch nhất.
Dẫu biết, khi tất cả công đoạn đều được làm bằng tay và theo hướng thủ công thì số tiền đầu tư rất cao (chi phí thuê mướn, chi phí phân bón), cây cà phê được trồng theo phương pháp hữu cơ sẽ cho ít trái hơn khi dùng phân hoá học… nhưng Mỹ Linh vẫn chấp nhận vì cô mong muốn bảo tồn phương thức canh tác nguyên sơ của người dân tộc, đồng thời mở ra một hướng đi bền vững cho riêng mình trong lĩnh vực cà phê sạch.
Mỗi công đoạn cắt cỏ, bón phân, chăm sóc cây cà phê tại HMong Farm người dân tộc HMong đều được trả tiền công xứng đáng. Họ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, cho con cái đến trường.
Ước vọng to lớn của HMong Farm trong tương lai là mang sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng nhiều hơn để có nguồn thu đem về cải thiện lại cho đời sống người dân tộc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Làm cầu đường - xây trường học cũng là mục tiêu của HMong Farm trong hành trình giúp người dân nơi đây thoát nghèo vào năm 2025.
Hoàng Hải