Thống kê cho thấy, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, CNHT trong nước mới chỉ có chưa đến 300 nhà cung ứng đáp ứng được công ty đa quốc gia. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các DN sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ và thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả.
Các số liệu thống kê cho thấy, DN công nghiệp trong nước và ngành CNHT trong nước chưa đáp ứng yêu cầu để thu hút các ngành công nghệ tiên tiến và thúc đẩy liên kết có hiệu quả. Việt Nam hiện xếp hạng 105/137 về số lượng nhà cung ứng nội địa và 116/137 về chất lượng nhà cung ứng nội địa, kém hơn so với các nước trong khu vực như: Malaysia, Indonexia, Thái Lan, Philippines.
So với khu vực FDI, DN trong nước chưa làm chủ tương đối được các chuỗi sản xuất độc lập, phần nào ảnh hưởng đến việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp.
Để dễ hình dung về bức tranh CNHT trong nước, có thể nhìn vào một chiếc ô tô, bởi riêng mỗi chiếc xe đã có tới khoảng 30.000 linh kiện với mức độ phức tạp đa dạng. So với các quốc gia như Thái Lan, hay Indonesia chỉ phải nhập khẩu 10% linh kiện sản xuất ô tô trong nước, con số 85% của Việt Nam phần nào nói lên khoảng cách giữa DN nội địa và các FDI đầu chuỗi.
Hàng chục năm chế tạo linh kiện phụ tùng xe máy, trong 5 năm qua, Công ty TNHH Mai Văn Đáng đã dần chuyển sang cả lĩnh vực ô tô, thậm chí đầu tư thêm 1 triệu USD cho cả nhà xưởng, thiết bị và nhân lực. Tuy nhiên, số lượng đơn hàng linh kiện ô tô, so với xe máy, vẫn gần như con số 0. “Ngoài nước, chúng tôi đã tiếp cận và có đơn hàng, nhưng không lớn. Với các DN lắp ráp trong nước, việc tiếp cận rất khó, nhưng chỉ ghi nhận, chưa triển khai được hợp đồng nào”, ông Mai Văn Đáng, Giám đốc công ty TNHH Mai Văn Đáng, cho biết.
Hay như Công ty Kyoyo Việt Nam, dù đã nỗ lực cải tiến năng suất 15 - 20% theo quy chuẩn quốc tế, nhưng như vậy vẫn chưa đủ để tham gia chuỗi cung ứng của các FDI. “Về quản lý chất lượng, về quản lý lao động, quản lý môi trường, trong những cái đó công ty còn mới nên để đáp ứng rất khó khăn”, ông Đặng Trần Thùy, Tổng Giám đốc Kyoyo Việt Nam, chia sẻ.
Cách đây vài năm, đánh giá căn cứ vào chỉ số tỷ trọng giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì các DN FDI chi phối 12 trên 24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đóng vai trò chi phối ở 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ; và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su-nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí.
Quy mô và năng lực của các DN công nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế. Theo số liệu của Bộ Công Thương, trên toàn quốc trong số khoảng 5.000 DN nội địa sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng hơn 1.000 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số lượng các DN thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất CNHT vẫn chưa nhiều.
CNHT mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp. Ngoại trừ ngành sản xuất xe máy, tỷ lệ cung ứng cho các ngành công nghiệp quan trọng khác như ô tô; điện tử; công nghiệp công nghệ cao còn khá hạn chế.
Bên cạnh đó, mức độ tham gia của các DN hỗ trợ trong nước vào chuỗi cung ứng cho các DN FDI còn rất khiêm tốn. Hầu hết các DN hỗ trợ trong nước là nhà cung cấp cấp 3 hoặc cấp 4, chủ yếu cung cấp các sản phẩm đơn giản, linh kiện và vật tư có giá trị thấp (ví dụ như bao bì và các chi tiết đơn giản). Tỷ trọng nhập khẩu sản phẩm trung gian của Việt Nam là cao so với các nước trong khu vực, trong khi đó tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm trung gian lại thấp hơn.
DN nội địa cần được hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh
Bên cạnh những rào cản về năng lực, về quy mô, về vốn, các FDI còn đang ngại ngần chia sẻ chuyển giao công nghệ với DN Việt. Tuy nhiên vài năm qua, bản thân các FDI và DN nội địa đang có sự nỗ lực để xích lại gần nhau hơn. Ví dụ mới nhất là chương trình hỗ trợ tư vấn của Toyota. “Tạo cho DN văn hóa Kaizen cải tiến liên tục, khi đó DN mới thay đổi được. Khi đạt được cái đó rồi, chúng tôi mới tiếp tục đào tạo khó hơn, như sản xuất theo dây chuyền, xây dựng chất lương theo công đoạn, thay khuôn nhanh”, ông Mai Anh Hiền, Phó Tổng Trưởng phòng Bộ phận Mua hàng, Toyota Motors Vietnam, cho biết.
Đại diện một số DN chia sẻ, trong hơn 10 năm cải tiến liên tục, chỉ riêng trong năm qua, với sự tham gia tư vấn của Toyota, quy trình sản xuất mới thay đổi vượt bậc, ngay cả khâu đào tạo nhân lực cũng được tối ưu. “Trước đây chúng tôi đào tạo công nhân 4 tháng mới làm việc được, nhưng thông qua tiêu chuẩn hóa của Toyota thì một người mới vào rút ngắn đáng kể thời gian, hiện 1 tháng, hơn 1 tháng công nhân có thể áp dụng được”, ông Ngô Vĩnh Tĩnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh, cho hay.
Được biết, nhiều quốc gia đã đưa ra các chính sách đặc thù để thúc đẩy CNHT trong nước, thậm chí là những chính sách có phần mang tính bảo hộ với các ngành mũi nhọn như ngành sản xuất lắp ráp ô tô. Tuy nhiên theo các chuyên gia, pháp luật đầu tư ở Việt Nam chưa quy định cụ thể, toàn diện về thu hút nguồn lực đầu tư xã hội và tạo ra các DN trong nước có quy mô lớn tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế, mang thương hiệu tầm quốc gia, khu vực về sản xuất công nghiệp trong các ngành trọng điểm. Trong khi đó, đây lại những ngành đòi hỏi những yêu cầu đặc biệt về công nghệ, nhân lực và các điều kiện đặc thù hoặc tham gia vào phân khúc cao của chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều đáng nói, để đầu tư vào sản xuất công nghiệp, nguồn vốn đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhưng so với DN các nước khác thì các DN Việt Nam gặp bất lợi khi chi phí vốn cao hơn rất nhiều, chưa có nguồn hỗ trợ tài chính hiệu quả trong khi lại chịu rào cản để có thể tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Đặc thù của các DN công nghiệp đòi hỏi vốn lớn cho đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng, công nghệ, vật liệu và nhân lực kỹ thuật trình độ cao. Giai đoạn đầu và trong cả quá trình phát triển, nguồn vốn tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong khi đó, các chính sách tài chính hỗ trợ cho DN hiện hành lại đưa ra nhiều quy định khiến các DN công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước. Và hệ quả là, các DN sản xuất tại Việt Nam không cảm thấy được khuyến khích vì phải chịu chi phí sản xuất cao hơn so với đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang giao xây dựng Luật CNHT và Luật Phát triển công nghiệp. Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho rằng, xây dựng những hành lang pháp lý, cùng với chiến lược quy hoạch của các ngành công nghiệp riêng lẻ kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các điểm nghẽn trong nhiều năm qua của CNHT.
Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 25%, so với mức cuối năm 2020 chỉ khoảng 16,7%. Nhiệm vụ nêu rõ: “Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu”. Có thể nói, đây thực sự là những mục tiêu thách thức, đòi hỏi sự đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để tạo nền tảng pháp lý thống nhất, là cơ sở cho quá trình thực thi chính sách hiệu quả, bền vững.
Minh Lê