Thứ Năm, 21/11/2024 21:28:37 GMT+7
Lượt xem: 1542

Tin đăng lúc 04-05-2022

Hỗ trợ hàng Việt chinh phục thị trường ''khó tính''

Chinh phục được các thị trường “khó tính” sẽ giúp doanh nghiệp Việt mang lại những đơn hàng có giá trị cao và ổn định. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng hóa Việt Nam cần vượt qua yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, phải chủ động đối diện với các rủi ro về pháp lý, sự cạnh tranh gay gắt từ những nước cung cấp các sản phẩm tương tự… Do vậy rất cần sự hỗ trợ để hàng Việt chinh phục thị trường "khó tính".
Hỗ trợ hàng Việt chinh phục thị trường ''khó tính''
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp tiên phong sản xuất sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu đến các thị trường khó tính

Trong những năm gần đây, xuất khẩu nước ta đã tăng trưởng tích cực, không chỉ về quy mô chiều rộng mà còn hướng tới chiều sâu. Dư địa xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường toàn cầu nói chung và thị trường Nhật Bản nói riêng là rất lớn. Đã có nhiều mặt hàng Việt Nam đang không ngừng nỗ lực chinh phục thị trường Nhật Bản, trong đó, nhóm hàng được xuất khẩu nhiều sang thị trường Nhật Bản là nông sản, rau, củ, quả, trái cây... Tuy nhiên, tiêu chuẩn đòi hỏi rất cao và nếu đạt được tiêu chuẩn vào thị trường Nhật Bản thì hàng hóa Việt Nam có cơ hội nhập khẩu vào nhiều thị trường khác.

 

Cụ thể như tiêu chuẩn Organic JAS (Japanese Agricultural Standards System - Tiêu chuẩn Nông nghiệp Nhật Bản) là tiêu chuẩn quốc gia của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp thực phẩm...

 

Theo bà Ino Mayu - chuyên gia đến từ Nhật Bản, còn không ít nông dân Việt Nam chưa bắt kịp xu hướng sản xuất, chế biến, đóng gói theo quy trình và bảo đảm chất lượng theo yêu cầu tiêu chuẩn của nhiều quốc gia nhập khẩu, trong đó có thị trường Nhật Bản. Hơn nữa, hệ thống tiêu chuẩn quốc tế hoặc từng nước có sự đan xen, tương đồng nhau nhất định, nên đôi khi đáp ứng được yêu cầu tiêu chuẩn của một thị trường mục tiêu, doanh nghiệp có thể dễ dàng xuất khẩu vào những thị trường khác.

 

Chia sẻ về hành trình chinh phục tiêu chuẩn Organic JAS, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Hải Âu (Seaguli ADC) Trần Phong Lan cho rằng, khi triển khai sản xuất hữu cơ thì cần xác định không ngại khó. Dù đơn vị sản xuất theo tiêu chuẩn nào cũng phải thực hành đúng, đủ và chứng minh được quy trình thực hiện thì sẽ bảo đảm đạt được những giấy chứng nhận cụ thể.

 

Tương tự, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đã tiên phong đầu tư công nghệ, sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu đến những thị trường khó tính. Tiếp nối sữa tươi organic, sữa đậu nành hạt, Vinamilk tiếp tục xuất khẩu lô sản phẩm cao cấp sữa tươi tiệt trùng chứa tổ yến đầu tiên đi Singapore.

 

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải đánh giá, điểm sáng trong xuất khẩu những năm vừa qua là hàng hóa Việt Nam không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống, mà còn khai thác được thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do. Nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh trên các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore, Anh...

 

Theo Bộ Công Thương, việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính thường đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa. “Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt buộc phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... Bên cạnh đó, xây dựng các chuỗi liên kết bền vững để dễ dàng áp dụng công nghệ vào sản xuất, đẩy nhanh số lượng, kiểm soát chất lượng sản phẩm xuất khẩu, chinh phục tốt các thị trường”, ông Trần Thanh Hải khẳng định.

 

Để thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường lớn, Bộ Công Thương đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức về các hiệp định thương mại tự do, nâng cao năng lực thương mại quốc tế và tăng cường thông tin đến các doanh nghiệp. Bộ cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận và tiêu thụ hàng hóa tại các hệ thống phân phối nước ngoài.

 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, sau hơn 20 năm thực hiện chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội đã xây dựng Bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” song song cùng với danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao - do người tiêu dùng bình chọn” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Muốn vươn ra thế giới, doanh nghiệp Việt cần hoàn thiện chất lượng sản phẩm. Vì vậy, bộ tiêu chí "Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập" sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường lòng tin thị trường đối với sản phẩm Việt. Qua đó, doanh nghiệp được tạo thêm điều kiện thuận lợi để sản xuất an toàn, chất lượng và có trách nhiệm; xây dựng nguồn cung cấp sản phẩm tốt cho xã hội...

 


Theo Hà Nội mới

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang