Tập đoàn Hòa Phát, nhà sản xuất thép hàng đầu Đông Nam Á, vừa đi vào hoạt động một nhà máy sản xuất máy điều hòa không khí và các thiết bị gia dụng. Đây là một phân khúc non trẻ mà tập đoàn hy vọng sẽ tạo ra doanh thu hàng năm 1 tỷ USD vào năm 2030.
Với vốn đầu tư hơn 1000 tỷ đồng (41,8 triệu USD), diện tích dự án gần 15 ha, Nhà máy Điện máy gia dụng Hòa Phát tọa lạc tại Khu công nghiệp Hòa Mạc, tỉnh Hà Nam.
Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng bao gồm: máy làm mát không khí, máy lọc nước và máy lọc không khí. Công suất dự kiến khoảng 1 triệu sản phẩm/năm.
Tập đoàn đã thành lập một công ty con vào năm 2021. Công ty được đầu tư lớn và bài bản để chuyển sang lĩnh vực thiết bị gia dụng trên nền tảng thâm niên 20 năm phát triển ngành hàng điện lạnh. Điện máy gia dụng trở thành một trong 05 lĩnh vực hoạt động quan trọng của Tập đoàn.
Máy điều hòa không khí Funiki của Hòa Phát và các sản phẩm khác đã có một số thành công nhất định tại Việt Nam. Nhà máy mới sẽ giúp tập đoàn theo đuổi phát triển sản phẩm và xuất khẩu.
Hoạt động kinh doanh thép chủ lực của Hòa Phát có xu hướng biến động theo chu kỳ do giá bị ảnh hưởng nhiều bởi Trung Quốc, quốc gia chiếm khoảng 60% sản lượng thép toàn cầu.
Được biết, hiện các nhà máy thép của Hòa Phát có thể sản xuất 8,5 triệu tấn thép, nhưng các nhà máy này đã đạt đến giới hạn, sản lượng chỉ có thể tăng trưởng khoảng 3%.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) cho rằng ngành thép năm nay sẽ rất khó khăn, không còn thuận lợi như những năm trước do nhu cầu giảm trong khi nguồn cung không đổi.
Theo đó, với mục tiêu kinh doanh đạt 160.000 tỷ đồng doanh thu và 25.000-30.000 tỷ đồng lợi nhuận cũng trong năm 2022 sẽ là thách thức đối với Hòa Phát. Bởi giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga-Ukraine và chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép và sản xuất thép giảm.
Trong quý 1 vừa qua, Hòa Phát ghi nhận doanh thu khoảng 44.400 tỷ và lãi sau thuế 8.200 tỷ đồng, tức là đã thực hiện khoảng 28% mục tiêu doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận.
Được thành lập vào năm 1992 với tư cách là một công ty kinh doanh thiết bị xây dựng, Hòa Phát bước vào lĩnh vực sản xuất thép từ năm 1996 và đã thúc đẩy sự phát triển của ngành tại Việt Nam.
Chủ tịch Trần Đình Long đã nói rằng công ty "cần phải đa dạng hóa."
Dự kiến trong năm nay, Tập đoàn tiến tới hoàn thành các giấy tờ pháp lý và đầu tư xây dựng một phần cho Dự án Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2; hoàn thành và đưa vào chạy thử Nhà máy sản xuất container vào thời điểm cuối năm...
Về dài hạn, Hòa Phát đang triển khai dự án Dung Quất 2 và đồng thời đang nghiên cứu một khu liên hợp thép khác với công suất 6 triệu tấn. Như vậy, tổng công suất của Hòa Phát sẽ nâng lên 21 triệu tấn, ngang với nhu cầu tiêu thụ thép hiện tại của Việt Nam. Theo đó, bên cạnh mặt hàng thép cuộn cán nóng HRC, dự án này còn sản xuất thép U, thép Y. Dự án sẽ triển khai sau năm 2025.
Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát đã đề xuất đầu tư tổ hợp Nhà máy tuyển Bô xít - Điện phân nhôm và Nhà máy điện gió với tổng vốn đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD tại Đắk Nông.
Theo VNbusiness