Nằm ở phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Lương có địa hình chủ yếu là đồi núi thấp, mang đặc trưng của khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tốt với hơn 6.000ha đất feralit đỏ vàng, rất phù hợp cho cây chè phát triển. Chính vì vậy, từ nhiều năm qua, huyện Phú Lương luôn đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè nhằm góp phần từng bước khẳng định, nâng cao vị thế thương hiệu chè địa phương.
Hiện nay, huyện Phú Lương có trên 4.100ha chè, với sản lượng chè búp đạt 45.200 tấn/năm (đứng thứ 2 toàn tỉnh), đóng góp 35% vào giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của địa phương. Trên địa bàn đã hình thành vùng sản xuất chè tập trung quy mô lớn (chiếm 70% diện tích chè toàn huyện) chủ yếu tại các xã Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô và Yên Lạc… với 44 làng nghề chè được công nhận, 27 hợp tác xã (HTX) và 26 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè. Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn cần phải được khắc phục đó là còn nhiều cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, eo hẹp về nguồn vốn nên vẫn chậm đổi mới, cũng như áp dụng công nghệ lạc hậu trong quá trình chế biến chè. Do vậy, sản phẩm làm ra chưa đạt đến chất lượng tốt nhất, đồng thời kéo theo chi phí sản xuất lớn, lợi nhuận thu về không cao. Trước thực tế đó, thời gian qua, TTKC Thái Nguyên đã tập trung phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Lương để triển khai nhiều đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến chè.
Nhờ sự hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm của TTKC Thái Nguyên nên nhiều doanh nghiệp, HTX và tổ hợp tác sản xuất chè trên địa bàn huyện Phú Lương đã mở rộng quy mô sản xuất, cũng như sử dụng có hiệu quả hệ thống máy móc, thiết bị mới được đầu tư. Đặc biệt, để đảm bảo triển khai các đề án đạt hiệu quả cao nhất, các đơn vị được thụ hưởng đều được TTKC Thái Khuyên tư vấn kỹ lưỡng, cũng như cung cấp đầy đủ thông tin về trang thiết bị, máy móc để chủ động sử dụng nguồn vốn hợp lý, mua sắm máy móc, công nghệ mới phục vụ công tác chế biến chè. Có thể khẳng định, đây là hoạt động rất thiết thực, giúp các cơ sở sản xuất chè trên địa bàn huyện Phú Lương thay đổi cách thức sản xuất và chế biến sản phẩm chè theo hướng hiện đại, đem lại hiệu quả cao nhất về kinh tế.
Các sản phẩm chè của huyện Phú Lương được giới thiệu tại các Hội chợ triển lãm và được đông đảo khách hàng tin dùng, đón nhận
Điển hình như tại Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Tân Bình 2 (xã Vô Tranh, huyện Phú Lương), sau một thời gian hoạt động và đúc kết qua kinh nghiệm sản xuất thực tế, Tổ hợp tác nhận thấy sự cần thiết phải đầu tư, tiếp tục mua sắm ứng dụng hệ thống máy móc hiện đại trong chế biến chè để nâng cao năng lực sản xuất, cũng như chất lượng sản phẩm làm ra. Tuy nhiên, việc bỏ ra vài trăm triệu đồng cùng lúc để mua sắm trang thiết bị quả là hết sức khó khăn và khó khả thi. Nhưng đầu năm 2024 này, được sự quan tâm, hỗ trợ 195 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công địa phương thì Tổ hợp tác đã mạnh dạn tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu đồng để mua mới 75 máy vò chè để áp dụng vào trong quy trình sản xuất. Việc sử dụng máy vò chè đã giúp Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Tân Bình 2 tiết kiệm thời gian và nhân công so với cách làm truyền thống trước đây, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Làm cho lá chè săn hơn, đẹp hơn, đều hơn và không bị nát vụn, vỡ búp chè…
Ông Nguyễn Văn Biết – Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Tân Bình 2 chia sẻ: Từ khi đơn vị chúng tôi được TTKC Thái Nguyên hỗ trợ đầu tư mới 75 máy vò chè thì hiệu quả kinh tế đem lại rất cao. Đặc biệt, sản phẩm chè làm ra đạt chất lượng tối ưu nên đơn hàng tiêu thụ trên thị trường ngày càng tăng mạnh, qua đó giúp thu nhập của các thành viên trong Tổ hợp tác được nâng lên rõ rệt, đời sống của mọi người cải thiện nhiều. Chúng tôi mong rằng, trong thời gian tới, TTKC Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thiết thực cho Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Tân Bình 2, cũng như nhiều đơn vị khác trên địa bàn để góp phần thúc đẩy phát triển giá trị, thương hiệu chè Phú Lương.
Đánh giá về tính hiệu quả của hoạt động khuyến công, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc TTKC Thái Nguyên nhận định: Thông qua sự hỗ trợ của hoạt động khuyến công, đến nay, Tổ hợp tác sản xuất chè VietGAP Tân Bình 2 đã cơ bản hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm chè với năng suất cao. Theo đánh giá của Trung tâm, việc Tổ hợp tác ứng dụng 75 máy vò chè hiện đại vào trong quá trình sản xuất đã giúp chất lượng sản phẩm chè làm ra được nâng cao rõ rệt, từ đó, uy tín, thương hiệu của Đơn vị trên thị trường đang ngày một tăng lên, đồng thời tiếp tục tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Có thể thấy rằng, từ sự hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, TTKC Thái Nguyên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn phát triển sản xuất, góp phần khẳng định giá trị, thương hiệu chè Phú Lương trên thị trường.
Anh Lê