Thứ Ba, 17/09/2024 03:43:49 GMT+7
Lượt xem: 627

Tin đăng lúc 12-08-2024

Hoạt động khuyến công hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp

Trong thời gian qua, bằng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và của tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng (TTKC), Sở Công Thương Thanh Hóa đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời mở rộng thị trường, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT).
Hoạt động khuyến công hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp
Công ty TNHH Tập đoàn Đại Phát đầu tư dây chuyền sản xuất từ nguồn kinh phí khuyến công

Có thể nói, với diện tích lớn, địa hình đa dạng, phong phú, lực lượng DN, cơ sở CNNT đông đảo, Thanh Hóa là một trong những địa phương thu hút nhiều nguồn kinh phí khuyến công. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và xung đột lan rộng, kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của các DN, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Để giảm thiểu tác động tiêu cực và hỗ trợ DN phát triển, Sở Công Thương Thanh Hóa đã ban hành những chính sách mới, linh hoạt và tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ hiện có, trong đó có công tác khuyến công.

 

Chỉ tính từ năm 2023 đến nay, TTKC Thanh Hóa đã hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, hỗ trợ mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất cho 18 DN, cơ sở CNNT với tổng kinh phí gần 6,3 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ cho các DN trên địa bàn tỉnh tham gia hơn 10 hội chợ trong nước; tổ chức nhiều phiên chợ kết nối cung cầu quảng bá giới thiệu sản phẩm, để tìm kiếm kết nối thêm khách hàng, thị trường mới. 

 

Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc TTKC Thanh Hoá cho biết: “Chúng tôi sẽ hướng dẫn tận tình các chủ thể về hồ sơ thủ tục làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ thể tham gia chương trình khuyến công, ứng dụng máy móc vào sản xuất và hỗ trợ tham gia nhiều hơn nữa hội chợ, kết nối cung cấp để mở rộng thị trường cho các sản phẩm”.

 

Đơn cử như Hệ thống dây chuyền máy ép viên nén năng lượng được Công ty TNHH Tập đoàn Đại Phát (Thanh Hoá) đầu tư từ năm 2023. Trong quá trình tìm hiểu công nghệ và chuẩn bị nguồn vốn đầu tư, đơn vị đã được TTKC Thanh Hoá tư vấn và hướng dẫn tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình khuyến công. Với nhiều ưu điểm vượt trội, độ chính xác cao, vận hành ổn định, việc đầu tư dây chuyền đã giúp DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tiếp cận với những thị trường xuất khẩu khó tính hơn.

 

Ông Ngô Văn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tập đoàn Đại Phát cho biết: “Về phần máy móc, chúng tôi đã được chính quyền, đặc biệt Sở Công thương hỗ trợ kịp thời, đây là nguồn động viên công ty phát triển. Chúng tôi đã đạt chỉ tiêu cần thiết để ký hợp đồng trực tiếp với tập đoàn Nhật Bản với thời gian ký 10 – 15 năm và được phía khách hàng hết sức đón nhận”. 

 

Công ty TNHH Tập đoàn Đại Phát chính là là đơn vị đầu tiên sản xuất thành công gỗ ván ép xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu gỗ bạch đàn, keo và gỗ tạp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Công ty cũng đã đầu tư một nhà máy trị giá gần 16,5 tỷ đồng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để sản xuất gỗ ván ép, trong đó kinh phí đầu tư máy móc lên tới 13,8 tỷ đồng. Chương trình khuyến công đã hỗ trợ Công ty đầu tư máy may ván, hệ thống lò hơi, máy lật ván, máy mài lưỡi cưa tự động... giúp DN hoàn thành đồng bộ quy trình sản xuất.

 

Thanh Hoá hiện có khoảng 21.000 DN đang hoạt động, trong đó có 90% là các DN nhỏ và siêu nhỏ, cần hỗ trợ thêm nguồn lực để đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo kế hoạch, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Thanh Hoá dự kiến dành nguồn kinh phí gần 40 tỷ đồng để triển khai các chương trình khuyến công. Đây sẽ là động lực quan trọng giúp các DN tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang