Với kinh phí hỗ trợ khoảng 6,61 tỷ đồng, trong 5 năm qua, Trung tâm Khuyến công đã triển khai được nhiều các đề án khuyến công trọng điểm như: Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia triển lãm, hội chợ; Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất; Đào tạo nghề, truyền nghề; Ứng dụng máy móc, thiết bị tiên thiến trong sản xuất…
Là một trong 14 tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc có hơn nửa nguồn lao động là người dân tộc thiểu số, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện tại đang gặp khó khăn về nguồn vốn và phương tiện sản xuất theo hướng khoa học tiên tiến. Chính vì vậy, việc triển khai các đề án khuyến công của ngành Công Thương là hết sức cần thiết. Các đề án không chỉ góp phần khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất, nâng cao trình độ chuyên môn mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào vận hành qua đó đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc Esquel - Khu CN Lương Sơn
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề án còn gặp nhiều vướng mắc do việc cập nhật chính sách mới chưa hòa nhập được với cộng đồng. Do vậy, để tận dụng hiệu quả nguồn kinh phí cũng như nâng cao chất lượng hoạt động, Trung tâm Khuyến công tỉnh luôn tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm giúp cơ sở sản xuất kinh doanh tìm hiểu và tham gia các đề án khuyến công. Ngoài ra, để hoạt động hiệu quả hơn nữa, Trung tâm cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, nhằm sử dụng tốt tài nguyên và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ triển khai áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để từ đó thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa vào thành tích của ngành Công Thương Hoà Bình trong thời kì công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Bảo Hân