Năm 2017, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên là 48.331 triệu đồng, tăng 20,85% so với kế hoạch năm 2016, chiếm 19,19% tổng kinh phí khuyến công cả nước. Kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ là 23.600 triệu đồng, tăng 14,31% so với kế hoạch năm 2016, chiếm 21,45% tổng kinh phí khuyến công quốc gia và chiếm 48,82% kinh phí khuyến công toàn vùng. Tính hết tháng 6/2017, hoạt động khuyến công của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã tổ chức được 25 mô hình trình diễn kỹ thuật; hoàn thành hỗ trợ 194 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp; hỗ trợ cho 922 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ công nghiệp với hơn 1.036 gian hàng; đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp cho 520 lượt người, tổ chức 12 lượt hội nghị, hội thảo chuyên đề cho 670 người tham dự. Ngoài ra, các địa phương còn thực hiện một số hoạt động khác để hỗ trợ các cơ sở CNNT như: Tổ chức khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển tiểu thủ công nghiệp tại một số tỉnh; hỗ trợ thực hiện liên kết, hợp tác phát triển công nghiệp giữa các tỉnh. Tư vấn cho 72 dự án thuộc các lĩnh vực: Xây lắp điện; Tiết kiệm năng lượng; Lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp; Giám sát các công trình xây dựng; Dịch vụ về điện và các dịch vụ khác,... với doanh thu ước đạt 1.769 triệu đồng, đạt 17,88% kế hoạch.
Phát huy thành quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại để hoàn thành kế hoạch khuyến công của từng địa phương và toàn khu vực trong những tháng cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã đề nghị Trung tâm Khuyến công các địa phương cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các đề án, đảm bảo hoàn thành các đề án khuyến công được giao đúng tiến độ, sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, chế độ cũng như các quy định về quản lý hoạt động khuyến công. Lựa chọn xây dựng đề án có trọng tâm trọng điểm và có sự lan tỏa để hỗ trợ với kinh phí đủ lớn, nhằm tạo sự bứt phá và có bước chuyển biến rõ rệt mang tính đề án. Đặc biệt là đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách đối với hoạt động khuyến công. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công...
Có thể thấy hoạt động khuyến công trong khu vực thời gian qua đã được triển khai mạnh mẽ, đa dạng cả về nội dung, hình thức và lĩnh vực. Công tác khuyến công được mở rộng, chất lượng và hiệu quả ngày càng được khẳng định rõ rệt về khuyến khích phát triển CNNT; góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo và phát triển đời sống văn hoá - xã hội ở khu vực nông thôn. Hoạt động khuyến công cũng đã góp một phần không nhỏ vào thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương. Tham gia tích cực trong triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, phát triển cho các DN; tạo cầu nối hỗ trợ phát triển giữa DN với DN; DN với Nhà nước; DN và thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất CNNT một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế./.
Mạnh Trường