Tại Hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ cao hai nước đã dành thời gian chia sẻ về tình hình ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, khu vực cũng như những kinh nghiệm, cơ hội để mở rộng mạng lưới hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Choi Young Sam - Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định, Hội nghị hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong ngành bán dẫn là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khẳng định mối quan hệ hợp tác kinh tế bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Thông qua Hội nghị về ngành bán dẫn này, hợp tác song phương Việt Nam - Hàn Quốc sẽ không chỉ ghi dấu ở những lĩnh vực sản xuất truyền thống mà có thể đưa ra những phương án chi tiết hướng tới hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam phát biểu tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay, tại Việt Nam có hơn 40 công ty về thiết kế chip và khoảng 15 công ty tham gia đóng gói, kiểm thử và sản xuất thiết bị liên quan đến bán dẫn. Trong số này có rất nhiều doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc như: Samsung, Hana Micron, Amkor Technology...
Để tạo môi trường, điều kiện thông thoáng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam phát triển, Nhà nước Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm chính trị lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao này. Trong tất cả nghị quyết của Đảng, Quốc hội cũng như của Chính phủ, ngành công nghiệp bán dẫn được coi là một trong những lĩnh vực trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia để chỉ đạo phát triển về ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Chiến lược quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng như xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có một quan hệ tốt đẹp với các đối tác quốc tế, đặc biệt là với Hàn Quốc, Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động, kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển ngành bán dẫn. Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực của những doanh nghiệp này.
Thời gian tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về các cơ chế đặc thù cho Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); trong đó có cơ chế dành cho các doanh nghiệp bán dẫn khi tham gia phát triển tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, ông Võ Xuân Hoài cho biết thêm.
PV