Hội nghị kết nối cung cầu được Cục Công nghiệp địa phương tổ chức thực hiện từ năm 2014 nhằm kết nối các nhà sản xuất trong nước với các hệ thống phân phối. Việc ký kết các hợp đồng Kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp (DN) với hệ thống phân phối được thực hiện theo mô hình liên kết chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu thụ được nhiều tập đoàn như Hapro, Sài Gòn Coop Hà Nội, Vinmart, Fivimart ... lựa chọn tham gia. Qua đó, đã gắn chặt mối liên kết giữa 3 nhà: Nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối, đảm bảo cho việc thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, gắn kết với mục tiêu của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Có thể nói, hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa thời gian qua của các địa phương trong khu vực đã góp phần ổn định thị trường, giúp DN tiêu thụ hàng hóa, phát triển SXKD, mở rộng hệ thống phân phối, đại lý, đưa hàng vào các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như hàng hóa của một số cơ sở sản xuất còn khó khăn khi tiếp cận với kênh phân phối là các siêu thị hiện đại như của Coopmart, Hapro, Fivimart ... , do hạn chế về thương hiệu sản phẩm, sản lượng hàng hoặc DN sản xuất chưa thống nhất về các thỏa thuận cần thiết như điều kiện giao hàng, quy trình thanh toán, chi phí khác ... để ký kết với các kênh phân phối lớn. Kết quả triển khai chương trình kết nối còn thấp so với lợi thế và tiềm năng. Nội dung chương trình liên kết, kết nối giữa các đơn vị còn đơn giản, dẫn đến việc khi triển khai thì gặp trở ngại do một số nội dung, yêu cầu chưa được thỏa thuận thống nhất...
Gian hàng tham gia hội nghị
Vì vậy, tại Hội nghị lần này, lãnh đạo Cục công nghiệp địa phương đã đề xuất, trong những tháng cuối năm 2016, Sở Công Thương các tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp để thực hiện phát triển công nghiệp, thương mại trên cơ sở đẩy mạnh việc thực hiện công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa giữa nhà cung ứng với các kênh phân phối. Đẩy mạnh sản xuất thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Phát huy sự chủ động liên kết, hơp tác phát triển giữa các địa phương; xây dựng thương hiệu và nhận diện hàng Việt, nâng cao nhận thức người tiêu dùng và đơn vị kinh doanh… Đặc biệt, đẩy mạnh Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tiêu biểu với hệ thống phân phối một cách thiết thực. Đồng thời, rà soát tình hình thực hiện các ký kết giữa các đơn vị cung ứng và phân phối tại các Hội nghị kết nối cung cầu để biết được khả năng kết nối, từ đó có những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền vận động để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam, làm cho họ biết được khả năng sản xuất, kinh doanh của các DN Việt cũng như chất lượng của sản phẩm hàng hóa Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm trong nước, xây dựng thương hiệu và nhận diện hàng Việt.
Tại Hội nghị lần này, đã có 13 cặp hợp đồng giữa các doanh nghiệp và nhà sản xuất được ký kết./.
Hà Trang