Theo thống kê, hiện chỉ có 36% DN tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp) so với 60% của Malaysia và Thái Lan. Trong đó, chỉ có 21% DN nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong khi con số này của Thái Lan là 30% và của Malaysia là 46%.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, số lượng này khiến cho DN nhỏ và vừa của Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của các FDI qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.
“Chúng ta đang thiếu vắng các DN có quy mô vừa còn DN nhỏ và vừa lại thiếu tính hiệu quả kinh tế theo quy mô. Trong khi đó ta đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, một trong những thị trường lớn nhất của TPP… Chưa kể đến những rào cản thương mại và kỹ thuật, yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng mà thị trường Mỹ đưa ra rất cao mà DN Việt chưa đủ năng lực công nghệ, tài chính và quản trị để đáp ứng yêu cầu này.
Thị trường Mỹ cũng được đánh giá là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn, đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh nên cũng đòi hỏi các nhà cung cấp phải có quy mô cung cấp đáp ứng được nhu cầu lớn, ổn định, giá cả cạnh tranh. Mặt khác, DN nhỏ và vừa của chúng ta chưa có thương hiệu riêng mà phần lớn đang phụ thuộc vào gia công”, bà Phạm Chi Lan phân tích.
Vẫn biết những khó khăn mà DN nhỏ và vừa đang phải đối mặt nhưng ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, chưa bao giờ Việt Nam được “chơi” với thế giới mà gắn với cải cách nhiều như hiện nay. Vì vậy, vấn đề quan trọng vẫn là sự tự tin.
“Ví dụ như việc “chơi” với Mỹ thông qua Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA), chúng ta đã run và trì hoãn sau 1 năm mới ký hiệp định. Nhưng chỉ sau 14 năm, không có sự kỳ diệu nào bằng việc xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng lên 30 lần, trong đó có đóng góp không nhỏ của DN nhỏ và vừa”, ông Thành dẫn chứng.
Ông Võ Trí Thành cho rằng, cơ hội của TPP dành cho DN rất nhiều. DN vừa và nhỏ có có thể tham gia tất cả các lĩnh vực như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… các ngành dịch vụ như bán lẻ, phân phối, giải trí, du lịch hay logistic.
Tuy nhiên, để tham gia được những lĩnh vực này, ông Võ Trí Thành cho rằng, các DN nhỏ và vừa phải kết nối với các DN lớn hơn bởi những DN này không thể làm được hết mọi khâu, công đoạn. Sự liên kết không chỉ giúp DN làm ăn, dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ mà quan trọng là học hỏi vươn lên.
Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, TPP mang lại những cơ hội lớn và tạo ra sức ép để Việt Nam cải cách và phát triển, nhưng tận dụng được hay không phụ thuộc vào chính các DN. “Không lo thiếu nguồn lực và năng lực. Cái cần nhất là ý chí và hành động”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Nguồn: Chinhphu.vn