Áp lực lớn vì chính sách đa mục tiêu
Chưa kịp mừng với quyết định phê chuẩn EVFTA của phía EU, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chia sẻ, vấn đề cần quan tâm nhất lúc này chính là ngay cả khi FTA này có hiệu lực thì việc thực thi của phía Việt Nam cũng chưa thể tiến hành do thiếu văn bản hướng dẫn. Ông Khánh phân tích, cái khó của các cơ quan quản lý là quy trình soạn thảo văn bản hướng dẫn chỉ có thể khởi động khi hiệp định đã được Quốc hội phê chuẩn. Từ đó sẽ dẫn tới trường hợp thời gian từ lúc được phê chuẩn tới lúc có hiệu lực quá ngắn, trong khi theo luật, quy trình xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật lại không thể ngắn như vậy.
Cùng với EVFTA, năm 2020 là thời gian để Việt Nam nội luật hoá các quy định hội nhập nhằm đảm bảo thực hiện tốt cam kết quốc tế. Tuy nhiên các chuyên gia đánh giá đây là quá trình không đơn giản và có thể đòi hỏi thời gian dài.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đánh giá, thời gian tới để thực thi các FTA, nội luật hoá như thế nào là áp lực rất lớn. Chúng ta chỉ có thể đưa ra chính sách phù hợp nhất chứ không thể có chính sách hài lòng tất mọi người, mọi đối tượng chịu tác động.
Đánh giá về quá trình nội luật hóa các quy định của CPTPP trong năm 2019 vừa qua, ông Tuấn cho biết, các FTA trước đây của Việt Nam thường tập trung vào gỡ bỏ rào cản thuế quan. Do đó, việc nội luật hóa để thực thi các cam kết này chỉ cần ban hành các biểu thuế xuất nhập khẩu mới cùng với nguyên tắc xác định xuất xứ. Tuy nhiên, CPTPP là FTA thế hệ mới, các cam kết của Việt Nam gồm rất nhiều nội dung liên quan đến các quy định pháp luật trong nước chứ không chỉ liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu như trước đây.
Trong năm qua, các bộ ngành đã soạn thảo nhiều văn bản để nội luật hóa các quy định của CPTPP. Trong quá trình đó, chỉ riêng vấn đề phạm vi áp dụng quy định chỉ dành cho các quốc gia trong CPTPP hay áp dụng rộng hơn cho cả các quốc gia khác, đã làm nổi lên nhiều tranh luận. Bởi lẽ Việt Nam chỉ có cam kết với các nước trong CPTPP nên về nguyên tắc chỉ có nghĩa vụ sửa đổi pháp luật trong nước và áp dụng cho các quốc gia trong CPTPP mà thôi. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ dẫn đến tình trạng là cùng một lúc chúng ta có hai nhóm quy định áp dụng cho các nhóm đối tượng khác nhau.
Cấp bách song không thể tuỳ tiện
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, Đảng, Chính phủ, Quốc hội rất nỗ lực tạo thuận lợi để đi đến ký kết sớm nhất các FTA. Tuy nhiên, thể chế với các FTA truyền thống và FTA thế hệ mới rất khác.
Năm 2019 khi tiến hành rà soát luật pháp Việt Nam về hải quan và kiểm tra chuyên ngành, riêng với EVFTA thì theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) có hơn 1.000 văn bản có liên quan kiểm tra chuyên ngành về hải quan của Việt Nam, thuộc loại cao nhất thế giới. Ngoài ra, nhóm chuyên gia còn rà soát được hơn 120 luật, văn bản, nghị định, thông tư có liên quan tới các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán, thực thi.
“Chúng ta cứ mong ngày mong đêm rằng EU sớm phê duyệt, nhưng để thực thi EVFTA, chúng ta còn phải sửa 18 văn bản, trong đó có 5 luật và 13 nghị định, thông tư. Nếu làm theo quy trình làm luật thông thường, thì 5 năm nữa chưa chắc hoàn thành”, ông Hiếu chỉ ra thực tế.
Không chỉ khó khăn về quy trình soạn thảo văn bản, việc nội luật hoá cũng đang chịu ràng buộc do phải cân đối với năng lực thực thi của các DN, NĐT trong nước. Bởi theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI, pháp luật nội địa đã bị đặt trong khung khổ cam kết quốc tế và một số trường hợp còn bị định dạng bởi cam kết quốc tế. Điều đó có điểm tích cực là pháp luật Việt Nam có thể đi theo chuẩn mực, xu hướng chung; có những tiêu chuẩn mà thế giới đã nhận diện và đánh giá là tốt, thì chúng ta cứ thế thực hiện theo không cần tranh cãi nhiều. Tuy nhiên, cũng có điểm không tốt, như các cơ quan nhà nước hay chính DN cũng đang “thấm đòn” và than phiền rằng không gian chính sách của Nhà nước và DN nội địa bị thu hẹp.
Chẳng hạn, cả EVFTA hay CPTPP đều đưa ra cam kết không được hạ thấp tiêu chuẩn môi trường hay lao động vì lợi ích thương mại. Điều đó nghĩa là pháp luật môi trường trong tương lai chỉ được phép chặt chẽ thêm. Hay cam kết mở của tự do hoá, trong CPTPP có cam kết một quốc gia có thể đặt ra một số điều kiện, nhưng nếu vài năm sau có thay đổi thì điều kiện mới phải dễ dàng, thuận lợi hơn so với điều kiện hiện tại chứ không được khó khăn hơn. Như vậy, khi soạn thảo chính sách phải rất cân nhắc tới khả năng đáp ứng của khối DN trong nước chứ không thể thiết kế tuỳ tiện. Bởi trong trường hợp chính sách có hiệu lực, DN không thể đáp ứng được, thì việc thay đổi và hạ thấp tiêu chuẩn là điều không thể.
Một mặt, Việt Nam vẫn phải đáp ứng các cam kết rõ ràng đã có để tránh phản ứng từ các đối tác trong các FTA. Nhưng mặt khác, cũng phải tính toán đến lợi ích của các chủ thể có thể bị ảnh hưởng bất lợi bởi các sửa đổi này. Quá trình soạn thảo cũng cần tận dụng tối đa các “điểm mờ” trong lời văn các cam kết để có thể giải thích theo hướng có lợi nhất cho đa số.
Ngoài ra, một vấn đề khác là hiện nay việc nội luật hoá đã rất cấp bách, song cũng không thể vì thế mà làm cho xong. Ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, đối với những văn bản luật có ảnh hưởng rộng rãi như các luật liên quan đến lĩnh vực thuế, không nên làm theo quy trình rút gọn để đảm bảo cho người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản luật.
Các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả khi không chờ FTA được phê duyệt, chúng ta vẫn phải chủ động thực thi để nâng cấp, hoàn thiện thể chế theo chuẩn mực quốc tế. Như vậy khi FTA được phê duyệt thì pháp luật trong nước đã sẵn sàng chứ không phải đợi phê duyệt xong mới đi tìm con đường để sẵn sàng.
Theo Thời Báo Ngân Hàng