Thứ Sáu, 22/11/2024 15:58:40 GMT+7
Lượt xem: 3270

Tin đăng lúc 25-09-2015

Hội nhập là “cuộc chơi” của DN, Nhà nước là "hậu phương" vững chắc

Hội nhập chính là “cuộc chơi” của doanh nghiệp (DN). Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ là "hậu phương" vững chắc cho các DN, hỗ trợ thông qua việc cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho các DN hoạt động.
Hội nhập là “cuộc chơi” của DN, Nhà nước là "hậu phương" vững chắc
Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Anh

Đây là phát biểu của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tại Hội nghị “Một số vấn đề về cải cách thể chế, hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong bối cảnh mới” diễn ra ngày 23/9 tại TPHCM.

 

Ông Vũ Tiến Lộc, cho rằng, hội nhập chính là “cuộc chơi” của DN chứ không phải của Chính phủ. Vì vậy, DN cần phải chủ động trong cuộc chơi này. Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ là "hậu phương" vững chắc cho các DN, hỗ trợ thông qua việc cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho các DN hoạt động.

 

Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập vai trò của hiệp hội là rất quan trọng, Chủ tịch VCCI đề nghị các hiệp hội cần hỗ trợ DN trong hiệp hội thông qua việc cung cấp đầy đủ thông tin về quá trình hội nhập, trong đó, lưu ý thông tin cung cấp cần dễ hiểu, để các DN có thể nắm bắt.

 

Cùng với đó, các hiệp hội DN cần nhìn nhận, đánh giá được những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hội nhập, từ đó đề ra phương hướng, chiến lược phát triển mới cho các DN trong hiệp hội, giúp kết nối các DN tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu, bởi trong hội nhập, DN đơn lẻ sẽ rất khó tồn tại.

 

Cán bộ, công chức phải có “tư duy” kinh tế thị trường

 

Chủ tịch VCCI cho biết, quá trình hội nhập, tác động mạnh mẽ lên thể chế kinh tế và để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng nhất cho DN. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là Nghị quyết 19, đây là Nghị quyết được cộng đồng DN đánh giá cao khi ban hành, tuy nhiên việc thực hiện tại các địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc, do một bộ phận cán bộ, công chức, chưa nắm rõ “tinh thần” Nghị quyết này.

 

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TPHCM cho rằng, trong thời gian qua, các cơ quan Nhà nước và Chính phủ đã nỗ lực tạo môi trường thông thoáng cho DN hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc của DN nằm ở mối quan hệ giữa DN và một số bộ phận công chức trong quá trình làm việc, gây phát sinh vướng mắc, mất thời gian và chi phí cho DN.

 

Dẫn chứng cho điều này, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho biết, một DN trong hiệp hội bị hải quan thu sai thuế, nhưng không dám phản ánh trực tiếp mà phải thông qua hiệp hội kiến nghị lên lãnh đạo TPHCM xem xét giải quyết. Ngay sau đó, lãnh đạo Thành phố đã xử lý và có công văn yêu cầu đơn vị hải quan thu sai hoàn lại thuế cho DN, tuy nhiên, thời gian mà DN được hoàn lại thuế lên tới vài tháng.

 

Để giảm tình trạng cán bộ, công chức gây phiền hà, mất thời gian của DN, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Garmexsaigon cho rằng, điều quan trọng là công chức nhà nước, những người trực tiếp làm việc với DN phải có tư duy kinh tế thị trường, có như vậy công việc của DN xử lý mới nhanh được.

 

Cũng theo ông Hùng, hiện nay, đối với lĩnh vực dệt may, các DN trong nước hiện “lấy được” giá trị thặng dư rất ít, chủ yếu là gia công, chính vì vậy ông Hùng kiến nghị Nhà nước cần có chính sách ưu tiên để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, qua đó, thúc đẩy ngành công nghiệp dệt may phát triển, từ đó giúp các DN trong nước chủ động được nguồn nguyên liệu, đầu tư vào chu trình khép kín, nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong quá trình hội nhập.

 

Đối với lĩnh vực lương thực, thực phẩm, bà Lý Kim Chi, lưu ý, chúng ta không vì quá quan tâm đến hội nhập mà quên đi thị trường nội địa đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân, trong khi xu thế mua sắm ngày càng tăng. Chính vì vậy, Nhà nước cần phải có chính sách, rào cản kỹ thuật bảo hộ các DN sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập.

 

Cơ quan Nhà nước và DN phải như “người một nhà”

 

Là trung tâm kinh tế lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng như cả nước, trong thời gian qua, chính quyền TPHCM ngày càng quan tâm hơn đến các DN và doanh nhân. Từ năm 2010 đến nay, đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho DN, như quỹ bảo lãnh tín dụng hỗ trợ cho vay được trên 1.100 tỷ đồng, chương  trình kích cầu của TPHCM với hơn 9.950 tỷ đồng cho 122 dự án, chương trình đào tạo kiến thức về hội nhập cho 18.000 lượt DN tham gia, chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ pháp lý cho DN… được diễn ra thường xuyên trên địa bàn Thành phố.

 

Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, chính quyền Thành phố cũng luôn nỗ lực cải thiện cải cách hành chính, nhờ vậy, thủ tục hành chính ngày càng đơn giản và nhanh chóng hơn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển. Chính vì vậy, trong năm 2014, TPHCM đã xếp thứ 4 về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

 

Ông Tất Thành Cang cho biết, Thành phố mong muốn luôn được lắng nghe những chia sẻ của DN về những khó khăn, vướng mắc, bất cập cần thay đổi, trong hội nhập quốc tế. Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, các cơ quan nhà nước và DN chính là “người một nhà”, vì vậy cần liên kết chặt chẽ để tận dụng tốt hơn những lợi ích mà hội nhập mang lại.

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang