Tham dự hội thảo về phía cơ quan chủ quản và khách mời có ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (AT&MTCN) – Bộ Công Thương; đại diện các ban liên quan của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đại diện các ban chuyên môn của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP).
Về phía BSR có ông Lê Xuân Huyên, Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR và các thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc cùng đại diện các Ban liên quan của BSR.
Đại diện Ban Bảo dưỡng sửa chữa BSR trình bày tham luận tại Hội thảo
Tại hội nghị đại diện Ban Bảo dưỡng sửa chữa BSR đã trình bày tham luận “Phân tích tình trạng kỹ thuật và lợi ích giãn tần suất bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất” trong đó đã nêu bật những nội dung chính về quá trình bảo dưỡng sửa chữa NMLD Dung Quất trong thời gian qua; tình trạng kỹ thuật của Nhà máy; đánh giá hiệu quả của việc giãn tần suất bảo dưỡng tổng thể; phương án và kế hoạch triển khai.
NMLD Dung Quất từ khi vận hành sản xuất đến nay đã trải qua 3 kỳ bảo dưỡng tổng thể với tần suất 3 năm 1 lần vào các năm 2011, 2014 và 2017 theo quy định của các nhà cung cấp bản quyền công nghệ. Trải qua các lần bảo dưỡng tổng thể, tình trạng kỹ thuật và hiệu suất vận hành (công suất wt%, chỉ số năng lượng EII, chi phí OPEX, chỉ số OA …) của Nhà máy ngày càng hoàn thiện và tốt hơn. Qua đánh giá tình trạng kỹ thuật của Nhà máy, BSR có thể khẳng định thiết bị hiện tại có thể vận hành liên tục 4 năm mới cần bảo dưỡng lớn.
Ông Lê Xuân Huyên, Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR phát biểu tại Hội thảo
Lợi ích của việc giãn tần suất bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất đó là có thể nâng cao chỉ số OA từ 95.9% lên 96.87%, tương đương tăng thêm 4 ngày vận hành /năm (góp phần tăng đáng kể lợi nhuận/doanh thu/ngân sách); Giảm chỉ số chi phí bảo dưỡng sửa chữa (Turnaround Index - TI) từ 14 USD/ EDC xuống còn 10.5 USD/EDC, tương đương tiết giảm chi phí bảo dưỡng sửa chữa khoảng 4.8 triệu USD/năm; Nâng xếp hạng nhà máy từ Nhóm 4 lên Nhóm 3, phù hợp thông lệ với các NMLD khác trên thế giới và đồng bộ với thiết kế mới của Dự án nâng cấp mở rộng.
Chuyên gia của các nhà cung cấp bản quyền công nghệ như AXENS, UOP, MERICHEM, MISUI, JGC, SGS, KBC, O&M trên cơ sở tình trạng kỹ thuật thiết bị hiện tại đều đồng ý giãn tuần suất bảo dưỡng tổng thể.
Chuyên gia đại diện của NMLD Nghi Sơn tham gia thảo luận tại Hội thảo
Trên cơ sở những nghiên cứu, để có thể thực hiện được mục tiêu để ra, BSR đã đưa ra các đề xuất và kiến nghị cụ thể như: BSR chủ trì và tổ chức thực hiện các chương trình đánh giá chi tiết tình trạng kỹ thuật đối với các hệ thống thiết bị quan trọng, có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vận hành theo các quy định của Nhà nước; Tổ chức thực hiện các giải pháp bổ sung theo khuyến cáo của kết quả đánh giá; Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở dữ liệu/hệ thống quản lý tiên tiến (RBI/ RCM/ SIS/ SIL/ IOW…) và áp dụng các kỹ thuật giám sát, kiểm tra thiết bị để đảm bảo an toàn, tin cậy; Tổng hợp thông tin, dữ liệu, thực hiện phân tích đánh giá tổng thể và tiến hành trình các cấp thẩm quyền (PVN/Bộ Công Thương…) để xem xét phê duyệt khả năng giãn tần suất; Báo cáo các cấp và các cơ quan quản lý Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các Nhà máy trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, hỗ trợ công tác kiểm tra, kiểm định thiết bị đảm bảo vừa tuân thủ quy định Nhà nước vừa mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất; Kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước sớm cập nhật, thống nhất và ban hành các quy định, quy chuẩn liên quan theo hướng mở hơn, sát với thực tế các nước, các nhà máy trong khu vực; Tạo điều kiện thuận lợi, tự chủ hơn cho các Nhà máy trong công tác Kiểm tra, kiểm định thiết bị.
Cũng tại Hội thảo các đại biểu đã nghe trình bày 2 tham luận khác là Công tác Bảo dưỡng sửa chữa và Kiểm tra thiết bị NMLD Nghi Sơn và Phương án kiểm tra thiết bị NMLD Dung Quất.
Các tham luận đã được các đại biểu tham dự Hội thảo đặc biệt quan tâm. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến giãn tần suất bảo dưỡng tổng thể như cơ sở của việc giãn tần suất, vấn đề đánh giá kỹ thuật và an toàn thiết bị, các quy định, quy chuẩn hiện hành liên quan đến thời hạn kiểm định, kiểm tra thiết bị, vấn đề liên quan đến bảo hiểm thiết bị v.v.
Ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật AT&MTCN – Bộ Công Thương phát biểu tổng kết hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật AT&MTCN – Bộ Công Thương đã đánh giá cao và hết sức ủng hộ những nghiên cứu, đề xuất của BSR. Trong thời gian tới BSR cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn nữa trên các cơ sở khoa học để chứng minh thật thuyết phục việc cần thiết và tính hiệu quả của giãn tần suất bảo dưỡng tổng thể. Các vấn đề cần quan tâm là thiết kế, vấn đề công nghệ, giá trị đầu tư cũng như kinh nghiệm vận hành sản xuất trong những năm qua, đặc biệt phải chú ý tuyệt đối đến vấn đề an toàn thiết bị để từ đó ra các giải pháp thực hiện hiệu quả. Nếu có những vấn đề vướng mắc liên quan đến các quy định, tiêu chuẩn hiện hành, Cục Kỹ thuật AT&MTCN sẽ đề nghị Bộ Công Thương kết hợp với các bộ, ngành liên quan cùng nghiên cứu và tìm hướng giải quyết hợp lý nhất.
Ngọc Lâm