Tới dự có ông Phạm Anh Tuấn – Phó trưởng ban Nội chính Trung ương; bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thứ Trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; TS Phạm Nguyên Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, cùng với sự tham dự của các đại biểu đến từ các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước và các Hiệp hội ngành hàng.
Chương trình được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn đa chiều, trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển thương mại nói chung và thương mại bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nói riêng. Tại Hội thảo, 6 diễn giả đến từ các Cục, Vụ, Viện và các trường Đại học đã tham luận các chủ đề xoay quanh các vấn đề về hậu cần thương mại, vận chuyển, kho bãi và bảo mật cũng như các xu thế mới trên thế giới tác động đến thị trường bán lẻ tại Việt Nam, cùng với đó là xu hướng phát triển thị trường bán lẻ trên thế giới, để từ đó tăng cường các dịch vụ hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh với nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam nằm trong top 5 thị trường bán lẻ lớn nhất tại Châu Á và đứng thứ 28 trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất Thế giới. Thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang là yếu tố thúc đẩy phát triển mạnh mẽ…Trong 5 năm tới, thị trường bán lẻ sẽ tăng tốc độ tăng trưởng khoảng 12%/năm, tới năm 2020 quy mô sẽ đạt khoảng 180 tỷ USD, chiếm 45% tổng vốn lưu chuyển hàng hóa.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nếu như năm 2008, cả nước mới có 386 siêu thị thì đến nay con số này đã là gần 800 siêu thị. Dự kiến, theo quy hoạch đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Cùng với đó, hành vi tiêu dùng của người dân cũng dần thay đổi theo xu hướng hiện đại, từ việc mua sắm hàng ngày ở các chợ truyền thống sang mua sắm khối lượng lớn ở các siêu thị, trung tâm thương mại để phục vụ cả tuần cho gia đình. Đây chính là động lực để sự dịch chuyển từ kênh bán lẻ truyền thống sang hiện đại diễn ra nhanh hơn.
Cũng theo ông Dương Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay: Trong kế hoạch tiếp tục phát triển hàng Việt Nam mà Bộ Công Thương trình và Thủ tướng đã phê duyệt, có hẳn một chương trình giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng bản đồ mạng lưới phân phối 63 tỉnh thành. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp với tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Cùng với đó, cần tập trung phát triển mạnh một số ngành sản xuất ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ để cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển một số ngành có khả năng lan tỏa nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các ngành khác cùng phát triển.
Nguyễn Hoa