Từ ngày 1.1.2016 sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.400.000 đến 3.500.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động.
Đây là nội dung quan trọng tại Nghị định 122/2015/NĐ-CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ. Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2016. Đối tượng áp dụng gồm:
Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
Việc tăng mức lương được điều chỉnh bắt đầu từ năm 2016 nhằm bù đắp sự mất giá của đồng tiền và đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động.
Theo điều tra của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn. Có 19,9% người lao động cho biết tiền lương hiện nay không đủ sống, 72% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm mới đủ trang trải cho cuộc sống và có tới 62% số lao động Việt Nam phải làm thêm giờ để có thêm thu nhập phục vụ cho đời sống hàng ngày.
Trả lời câu hỏi hỏi của VTV vấn đề tăng lương cho các lao động có ảnh hưởng tới doanh nghiệp hay không hồi tháng 9, ông Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng viện Nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ - từng cho hay: “Việc tăng tiền lương dẫn đến một loạt các chi phí sẽ tăng theo và chắc chắn đây là một gánh nặng rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Có thể thấy rõ rằng việc này tác động rất lớn không chỉ đến kết quả kinh doanh, mà còn tác động đến tâm lý đối với người quản lý các doanh nghiệp”.
Theo Hà Nhi/ Một Thế Giới