Số liệu cập nhật trong ngành năng lượng và hệ thống vệ tinh cho thấy lượng dầu tại các siêu tàu nói trên đã tăng gấp đôi so với hồi đầu năm nay và tương đương nguồn cung dầu toàn cầu trong hơn một ngày.
Số lượng các siêu tàu ngày càng tăng sẽ tác động khiến giá dầu thô “lao dốc” trong tương lai, nhất là giữa bối cảnh cơ sở hạ tầng (bến bãi, kho chứa…) bắt đầu trở nên quá tải với dự trữ xấp xỉ mức cao kỷ lục.
Trong khi đó, ông Parick Rodgers, Giám đốc điều hành Euronav - một trong những công ty chuyên chở dầu lớn nhất thế giới, cho hay tình trạng dư thừa trầm trọng tới mức các công ty buôn bán dầu phải đề nghị các tàu đi thật chậm để họ có thời gian xử lý vấn đề kho chứa.
Mặc dù chênh lệch giá dầu Brent Biển Bắc giao ngay và giao sau 6 tháng - lên tới 4,5 USD trong tuần qua, tăng 3 USD so với hồi tháng 5 năm nay – giúp phần lớn các công ty buôn bán dầu mỏ kiếm được hàng triệu USD, nhưng những công ty muốn kiếm lời từ việc trữ dầu trên các tàu ngoài khơi cũng đối mặt với một loạt thách thức, đặc biệt là mức cước thuê tàu tăng cao chóng mặt. Cụ thể, mức cước trung bình thuê tàu cỡ lớn năm nay xấp xỉ 60.000 USD/ ngày. Hồi tháng trước, mức cước này thậm chí còn vọt lên 108.000 USD/ngày.
Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới công bố mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo thị trường dầu mỏ sẽ tiếp tục dư cung cho tới cuối thập niên này. Mặc dù nhu cầu dầu mỏ ước tăng khoảng 1% từ nay đến năm 2020, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để khắc phục tình trạng dư cung đang đẩy giá dầu thô xuống mức thấp liên tục trong nhiều năm qua. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ hiện dao động quanh mức 43 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc ở mức 46 USD/thùng./.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ