Nâng tầm kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới
Sáng 10/10/2024, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 27. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước đánh giá cao những tiến triển tích cực và liên tục trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc, đặc biệt từ khi hai bên thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện năm 2021.
Thông tin tại hội nghị cho biết, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN liên tục trong 15 năm, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 vào ASEAN với tổng vốn 17,3 tỷ USD.
Mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng và có những bước tiến triển tích cực khi tại tại hội nghị này, các lãnh đạo hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0, tạo điều kiện tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, củng cố chuỗi cung ứng khu vực.
Cùng với đó, theo nghiên cứu của Mạng lưới các nhóm nghiên cứu ASEAN - Trung Quốc (NACT) cho biết: Khối lượng thương mại của Trung Quốc với ASEAN đã tăng trưởng nhanh chóng, tăng gần 12 lần kể từ năm 2003. ASEAN và Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn với kim ngạch thương mại đạt mức 911,7 tỷ USD vào năm 2023, đưa ASEAN và Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất trong bốn năm liên tiếp.
Trung Quốc đã trở thành nguồn nhập khẩu lớn nhất của ASEAN, đặc biệt là hàng hóa và linh kiện công nghiệp, và đã trở thành nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba vào ASEAN, với tổng FDI đạt 18,65 tỷ USD vào năm 2022. Ở lĩnh vực đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc (ODI) vào sản xuất tại ASEAN đạt 8,2 tỷ USD, chiếm 44% tổng dòng ODI.
"Các nước ASEAN và Trung Quốc đã thúc đẩy kết nối chặt chẽ hơn giữa công nghiệp và chuỗi cung ứng. Những con số này nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc và sự hội nhập liền mạch của chuỗi cung ứng ASEAN - Trung Quốc” - NACT cho biết.
Đặc biệt, trong các quốc gia ASEAN, Việt Nam, Malaysia và Indonesia lần lượt là ba đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Theo đó, quan hệ ngoại giao của Malaysia với Trung Quốc đã được tăng cường kể từ khi hai bên nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2013. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 15 năm liên tiếp kể từ năm 2009. Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc đạt 450,84 tỷ RM (98,8 tỷ USD), đóng góp tới 17,1% thương mại toàn cầu của Malaysia.
Đối với Indonesia, theo dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Indonesia đạt 4,55 tỷ USD vào năm 2022. Indonesia là điểm đến đầu tư lớn thứ hai của Trung Quốc trong ASEAN.
Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia trong 10 năm liên tiếp. Tân Hoa xã dẫn dữ liệu cho thấy, khối lượng thương mại giữa hai nước đã tăng từ 50 tỷ USD năm 2013 hơn 130 tỷ USD vào năm 2022. Năm 2023, Indonesia đã khánh thành tuyến đường sắt Jakarta-Bandung - dự án đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á. Đây là dự án hợp tác với Trung Quốc trị giá hàng tỷ USD.
Những con số kể trên là minh chứng rõ ràng về mối quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN-Trung Quốc đang ngày phát triển thực chất, hiệu quả, sâu rộng, mang lại lợi ích tích cực cho các bên, đồng thời nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc ngày càng khẳng định vai trò là động lực quan trọng, trung tâm phát triển năng động, dẫn dắt tăng trưởng và phát triển của khu vực và thế giới.
Hình mẫu của sự hợp tác toàn diện sâu rộng, thực chất
Có thể thấy, những năm qua Malaysia và Indonesia nói riêng và các nước ASEAN nói chung đang ngày càng không ngừng tăng cường tự cường, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác gắn bó và kết nối chặt chẽ, toàn diện, bao trùm. Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có tình hữu nghị truyền thống lâu đời, “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng và xác định phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lâu dài, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Nhất quán chủ trương đó, những năm qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc không ngừng được củng cố và tăng cường. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên với hình thức linh hoạt. Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư tăng trưởng tích cực và liên tiếp đạt kỷ lục mới, Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, lớn thứ 6 trên thế giới của Trung Quốc. Các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi khác không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đà tăng trưởng thương mại song phương trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.
Về thương mại, Trung Quốc hiện nay cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 148,6 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt 43,6 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 105 tỷ USD, tăng 32,5%. Từ nay đến hết năm 2024, với đà cải thiện mạnh mẽ về thương mại trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc có thể tiến sát mốc 200 tỷ USD.
Hiện tại, hai bên đang tích cực thúc đẩy "kết nối cứng" giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh nhằm tạo thuận lợi và nâng cao hơn nữa giao lưu thương mại giữa hai bên.
Về đầu tư, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án FDI đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 29,3%) và đứng thứ hai với vốn đầu tư 3,2 tỷ USD (chiếm 13% tổng vốn đầu tư). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây, tạo không khí tích cực cho các dự án hợp tác mới giữa hai nước.
Về hợp tác đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam. Năm 2023, đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 77% so với năm trước, đây là mức phát triển rất nhanh. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục xu thế tăng nhanh và mạnh từ 2,92 tỷ USD năm 2021 lên 4,47 tỷ USD trong năm 2023. Xét về số dự án, 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới với 540 dự án với tổng vốn đăng ký mới 1,22 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới của cả nước. Cùng với đó, có 113 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm 303,21 triệu USD; 268 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn 124,021 triệu USD từ Trung Quốc vào Việt Nam 7 tháng năm 2024. Tính chung tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2024 là 1,65 tỷ USD, đứng thứ tư về vốn trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đáng chú ý, những năm qua gần đây, Việt Nam nổi lên như một “ngôi sao ASEAN” về đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia vào mạng lưới FTA thế hệ mới. Việt Nam hiện đã tham gia 19 FTA, trong đó đang thực thi 16 FTA đã ký kết và 03 FTA đang đàm phán. Các FTA đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn (200% GDP), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều xác định các FTA là nền tảng mới để tiếp tục mở cửa ra bên ngoài và đẩy nhanh cải cách trong nước, là cách tiếp cận hiệu quả để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và tăng cường hợp tác kinh tế với các nền kinh tế khác, cũng như là sự bổ sung quan trọng cho hệ thống thương mại đa phương. Hiện nay, Trung Quốc đang tham gia 24 FTA, trong đó có 16 FTA đã được ký kết và thực hiện.
Năm 2003, Việt Nam cùng ASEAN đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và năm 2020, hai nước cũng đồng thời tham gia ký kết và đang thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Hai FTA trên cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương. Trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán nâng cấp FTA ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0 nhằm mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội kinh tế, thương mại cho các nước trong khu vực nói chung và hai nước nói riêng.
Cùng với các hiệp định, trong các chuyến thăm và làm việc cấp cao của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Trung Quốc, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác mới, tạo tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế song phương. Những văn bản hợp tác về kinh tế chiếm đa số trong các văn bản được ký kết giữa hai nước. Điều đó cho thấy sự quan tâm của hai chính phủ, hai nhà nước và các bộ, ngành về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế.
Trong khuôn khổ các chuyến công tác cấp cao của Lãnh đạo Chính phủ và các chương trình công tác khác giữa Việt Nam và Trung Quốc, với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về công nghiệp, thương mại, Bộ Công Thương đứng đầu là Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có các buổi hội đàm song phương với phía Trung Quốc.
Mới đây, cuối tháng 9/2024, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác đã tham dự Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Phát biểu tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào hoan nghênh, đánh giá cao ý nghĩa chuyến công tác và làm việc tại Trung Quốc của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Điều này cũng chính là minh chứng cụ thể về vai trò ngày càng quan trọng của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt - Trung đối với nền kinh tế mỗi nước, nhất là trong bối cảnh hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đã bước lên một tầm cao mới.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Vương Văn Đào cũng đề xuất phía Việt Nam tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng; trong đó, chú trọng triển khai các văn kiện hợp tác đầu tư và sáng kiến kinh tế số - phát triển xanh đã được hai bên thống nhất; Đề nghị Việt Nam có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển các dự án điện; Hợp tác khu công nghiệp; Tiếp tục đàm phán và ký kết MOU về tăng cường hợp tác kinh tế trong chuỗi sản xuất và cung ứng...
Cùng đó, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào cũng kiến nghị giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, trong đó có việc đàm phán và ký kết văn kiện hợp tác thương mại nông sản; Tăng cường hợp tác thương mại điện tử; Tăng cường trao đổi về tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp của sản phẩm xuất nhập khẩu; Giải quyết thỏa đáng các vụ điều tra chống bán phá giá...
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định kỳ họp lần này hết sức kịp thời, nhằm quán triệt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào trung tuần tháng 8/2024 vừa qua. Đồng thời, thất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hai bên cần tăng cường hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng. Trong đó ưu tiên hợp tác về kinh tế số, phát triển xanh. Bởi đây là xu hướng chung và là một trong những động lực của phát triển trong tương lai.
Liên quan đến đề xuất hợp tác khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Bộ Công Thương ủng hộ các doanh nghiệp hai bên tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng chặt chẽ hơn, cùng ứng phó với tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu. Chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng, được ví như tuyến “huyết mạch” của kinh tế thế giới, giúp kết nối các nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối và người tiêu dùng với nhau, giúp tạo ra dòng chảy hàng hóa và dịch vụ hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống con người.
Có thể khẳng định, sau hơn 15 năm kể từ khi thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay mối quan hệ Việt Nam và Trung Quóc đã có những bước tiến nhanh chóng và ngày càng sâu sắc, toàn diện trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, sau chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là chuyến thăm lịch sử đã kế thừa quá khứ và mở ra một chương mới trong quan hệ song phương, tạo thêm động lực cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam và thúc đẩy cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược đi vào chiều sâu và thực chất nhất từ trước đến nay, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục tăng trưởng.
Chính từ việc tăng cường liên lạc, trao đổi chiến lược giữa hai Đảng, lãnh đạo cấp cao hai nước đã lan tỏa tới các bộ, ngành và sự tin cậy chiến lược lẫn nhau đã tạo môi trường chính trị tốt đẹp để Trung Quốc và Việt Nam thực hiện hợp tác thiết thực trong tương lai; tăng thêm lòng tin và quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước sẽ phát triển tốt đẹp lên một tầm cao mới.
Cùng với đó, với việc mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc không ngừng tăng trưởng tích cực, thiết lập các kỷ lục mới đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN với Trung Quốc ngày càng đi vào toàn diện, hiệu quả. Qua đó còn khẳng Việt Nam là thành viên trách nhiệm với vai trò, tiếng nói ngày càng được coi trọng và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn, chủ động hơn cho công việc chung, nỗ lực hết mình cho thành công chung, với tinh thần chủ động thực thi, tham gia thực chất và đóng góp thực tâm. Như đánh giá của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Việt Nam là "ngôi sao của ASEAN", là hình mẫu của hoà bình và phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hoà bình, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững trên toàn cầu.
Theo Congthuong.vn