Chủ Nhật, 24/11/2024 09:18:05 GMT+7
Lượt xem: 2028

Tin đăng lúc 19-08-2022

Hợp tác, phát triển ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên

Ngày 19/8, tại TP. Phan Rang- Tháp Chàm, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung- Tây Nguyên lần thứ VIII, năm 2022.
Hợp tác, phát triển ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc hội nghị

Hội nghị được diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung. Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Thành và các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Giám đốc các Sở Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung- Tây Nguyên.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Khu vực miền trung - Tây Nguyên có vị trí kinh tế, địa lý giữ vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; là địa bàn nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao. Các điều kiện tự nhiên, dân số có nhiều thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp, thương mại gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại như: Công nghiệp lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, công nghiệp đóng tàu; công nghiệp cơ khí; sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…

 

Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm nay được tổ chức nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành Công Thương của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, qua đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

 

 

Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận Võ Đình Vinh phát biểu tại hội nghị

 

Báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm của ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận Võ Đình Vinh cho biết:Năm 2021, vượt qua khó khăn do dịch bệnh, sản xuất công nghiệp ở các tỉnh/thành phố trong khu vực giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực; 12/15 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn cả nước; trong đó, một số địa phương tăng trưởng cao trên 2 con số như: Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kom Tum, Lâm Đồng... Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2021 đạt 474.871,5 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trong khu vực tiếp tục đà hồi phục. Một số tỉnh/thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn khu vực 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng cao, ước đạt 261.371 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ.Toàn khu vực có 11 khu kinh tế với 726 dự án; 50 khu công nghiệp thu hút được 1.834 dự án; 196/242 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 2.168 dự án đầu tư…

 

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của các địa phương vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, nhất là về pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện hoạt động liên kết vùng, kết nối không gian phát triển. Quy mô sản xuất và trình độ công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều dự án lớn được đầu tư với công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao tạo động lực phát triển của vùng. Việc lập, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch trong ngành chậm được ban hành như Quy hoạch điện VIII, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia; chính sách giá điện.

 

Ngoài ra, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp một số tỉnh còn chậm, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kêu gọi đầu tư xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn. Hoạt động liên kết phát triển giữa các địa phương còn hạn chế, chưa có sự phối hợp đồng bộ, hợp tác liên kết liên doanh giữa doanh nghiệp trong khu vực để hình thành trung tâm sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế phát triển của toàn vùng...

 

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Để giải quyết tận gốc những khó khăn, thách thức đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương cần sớm triển khai giải pháp, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại. Đồng thời, yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hợp tác, vận động xúc tiến đầu tư, kinh nghiệm giải quyết khó khăn cho dự án công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp; cơ chế phối hợp với Ban Quản lý khu, cụm công nghiệp; xây dựng, triển khai quy hoạch, đề án phát triển lĩnh vực công nghiệp, thương mại, thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công…

 

Minh Phương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang