Thứ Sáu, 22/11/2024 11:45:14 GMT+7
Lượt xem: 1122

Tin đăng lúc 26-10-2020

Hưng Yên khơi dậy khát vọng vươn lên vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên đạt bình quân 8,38%/năm. Năm 2019, tổng sản phẩm bình quân đầu người ở mức cao đứng thứ 13 so với các tỉnh thành trong cả nước.
Hưng Yên khơi dậy khát vọng vươn lên vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ
Một góc thành phố Hưng Yên

Những khu đô thị sinh thái hiện đại, cánh đồng nông nghiệp hàng tỷ đồng và đoàn xe container tập nập ra vào các khu công nghiệp sôi động dọc quốc lộ 5 là minh chứng rõ nét của tốc độ tăng trưởng vượt bậc những năm gần đây của tỉnh Hưng Yên.

 

Nếu như năm 1997, Hưng Yên thuộc nhóm 3 tỉnh có số thu ngân sách thấp nhất cả nước, đến nay, tỉnh Hưng Yên trong nhóm 16 địa phương tự cân đối thu chi trong cả nước, ước thu năm 2020 sẽ đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Đây là một trong những con số ấn tượng thể hiện sự quyết tâm đổi mới và bứt phá của tỉnh Hưng Yên đã lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế- xã hội phù hợp để khai thác được tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương.

 

Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hưng Yên  đạt bình quân 8,38%/năm. Năm 2019, tổng sản phẩm bình quân đầu người ở mức cao đứng thứ 13 so với các tỉnh thành trong cả nước. Thu ngân sách của Hưng Yên đạt hơn 16.000 tỷ đồng, gấp 200 lần so với năm 1998, đứng 7/11 tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

 

Để đạt kết quả đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa 18 định hướng: Thu hút đầu tư là một một trong 3 khâu đột phá của tỉnh, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong phát triển kinh tế thời kỳ 2016 - 2020. Tỉnh Hưng Yên liên tục đón nhận dòng vốn lớn đầu tư của các Tập Đoàn lớn như: Vingroup, Hòa Phát, T&T, Ecopark của Việt Nam và Sumitomo (Nhật Bản)... Đây là các dự án công nghệ có giá trị cao hiện đại được coi là đầu tầu kinh tế góp phần thúc đẩy tăng trưởng tốc độ kinh tế của tỉnh.

 

Ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cho biết: "Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hưng Yên thu hút 816 dự án đầu tư, đưa tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.985 dự án với tổng số vốn đăng ký tương đương trên 11 tỷ USD. Trong đó 498 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 5 tỷ USD.

 

Hưng Yên đã quy hoạch được 13 khu công nghiệp tập trung với quy mô hơn 3.000 ha và 35 cụm công nghiệp. Tháng 9/2020, Thủ tướng đồng ý cho mở rộng KCN Thăng Long 2 và phê duyệt 3 KCN của Hưng Yên bổ sung vào quy hoạch cả nước".

 

Hưng Yên có những thế mạnh nhất định thu hút đầu tư và phát triển kinh tế nhờ hàng loạt các trục đường giao thông lớn chạy qua. Với lợi thế ở vị trí địa chính trị thuận lợi trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội -  Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Hưng Yên hấp dẫn các nhà đầu tư với diện mạo hệ thống giao thông mới hoàn thành 1.000 km ở các cấp đường.

 

Trong đó, các tuyến đường huyết mạch thông thương hàng hóa, góp phần tạo động lực lớn cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng, như: công trình cầu Hưng Hà và tuyến đường bộ nối 2 tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình.

 

Tỉnh Hưng Yên từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời áp dụng các sáng kiến, cải tiến rút ngắn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, xác định được rõ điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phối hợp các bộ, ngành trung ương tháo gỡ nút thắt trong quá trình thực thi những quy định của pháp luật.

 

Cơ cấu thu hút đầu tư của Hưng Yên có sự chuyển dịch tích cực theo hướng chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng, thân thiện môi trường và hiệu quả sử dụng đất đai. Tỉnh Hưng Yên kiên quyết xử lý nghiêm và dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, chậm tiến độ, sử dụng đất không hiệu quả, không tuân thủ quy định của pháp luật và cam kết đầu tư.

 

Do vậy, việc hài hòa giữa lợi ích kinh tế từ dự án đầu tư và đảm bảo môi trường cuộc sống người dân là một trong nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Hưng Yên đang đặt ra trong nhiệm kỳ tới.

 

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hưng Yên, cho biết: "Tỉnh Hưng Yên tăng cường công tác ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu tỉnh từ chối tiếp nhận các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu có nguy cơ cao ô nhiễm môi trường. Giám sát chặt chẽ các KCN phải đầu tư xây đựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường mới được tiếp nhận dự án và chỉ đi vào hoạt động khi hạ tầng này được vấn hành chính thức".

 

Một trong bốn quan điểm phát triển của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025 được Đảng bộ tỉnh Hưng Yên là: Giữ vững định hướng phát triển trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch; hướng tới đô thị thông minh; thương mại điện tử phát triển; tăng nhanh tỷ trọng kinh tế số trong GRDP; kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ với tầm nhìn dài hạn; nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao; ô nhiễm môi trường KCN, CCN, làng nghề, trong nông thôn và lưu vực sông được kiểm soát….

 

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định: "Trong thu hút đầu tư phát triển tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp mang tính đột phá, với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội có tính cạnh tranh cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia.

 

Đồng thời, khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước... Để làm được điều này, tỉnh sẽ tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển KCN, CCN tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, xác định rõ những khu vực, địa bàn ưu tiên phát triển hạ tầng KCN, CCN".

 

"Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến", các khu công nghiệp san sát ở huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, hàng vạn lao động được tạo việc làm, nguồn thu ngân sách tăng trưởng cao. Gần 5.000 ha đất vùng bãi ven sông Hồng và sông Luộc ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Ân Thi là dư địa phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch sinh thái.

 

Nhiều khu đô thị mới, tổ hợp trung tâm thương mại có diện tích hàng trăm ha với số vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng sẽ được xây dựng trong thời gian tới. Đây là nguồn lực quan trọng và cơ sở vững chắc để Hưng Yên quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh mạnh của toàn quốc, có công nghiệp phát triển, thu nhập bình quân đầu người trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước./.

 

Theo VOV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang