Thứ Tư, 27/11/2024 09:48:21 GMT+7
Lượt xem: 822

Tin đăng lúc 28-07-2022

Hướng đi mới cho vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là một trong sáu vùng kinh tế của cả nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Hướng đi mới cho vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô-tô của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải, tại Quảng Nam

Để thúc đẩy vùng phát triển, ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW ngày 2/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây thật sự là bước ngoặt lớn, là hành lang pháp lý quan trọng, mở ra cơ hội và tạo động lực quan trọng cho các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng, giao thương và hợp tác phát triển.

 

Sau 18 năm thực hiện triển khai Nghị quyết, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Tuy nhiên, phát triển của vùng vẫn còn nhiều hạn chế và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cần phải tiếp tục có những giải pháp mới, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới.

 

Phát huy thế mạnh, đột phá phát triển

 

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận (Vùng còn có thể chia thành các tiểu vùng như: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ, Tiểu vùng Nam Trung Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm miền trung…). Đây là vùng có tiềm năng lớn để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, nhất là thế mạnh về phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics; chăn nuôi đại gia súc, phát triển rừng; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện, vật liệu xây dựng; trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, du lịch…

 

Triển khai Nghị quyết số 39-NQ/TW đã giúp nhiều địa phương tận dụng thế mạnh, tạo những bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh...

 

Tỉnh Thanh Hóa sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2004-2010 đạt 10,7%, giai đoạn 2011-2020 đạt 9,4% và năm 2021 đạt 8,85%, cao hơn so với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị và thuộc nhóm số ít các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước.

 

Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả rõ nét; là một trong các tỉnh đi đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, thôn, tổ dân phố; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên; đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân được tăng cường.

 

Các địa phương nằm trong Tiểu vùng Nam Trung Bộ cũng được đánh giá có tốc độ thu hút đầu tư phát triển nhanh. Nổi bật như tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2017-2021 tốc độ tăng trưởng thu hút đầu tư, bình quân đạt 41,8%/năm. Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến thời điểm tháng 5/2022, toàn Tiểu vùng có 383 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 12 tỷ USD. So với năm 2015 thì số dự án tăng lên là 85 và tổng vốn đăng ký tăng 403 triệu USD.

 

Để đạt những kết quả nêu trên, nguyên nhân chính là cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị.

 

Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành một số chương trình hành động, các chính sách ưu tiên và dành nguồn lực để tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn thông qua các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia để khai thác tiềm năng, lợi thế và khắc phục các hạn chế, khó khăn để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh cho các địa phương trong vùng.

 

Các cấp ủy, chính quyền vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp để phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh riêng có và đẩy mạnh liên kết cùng phát triển.

 

Nổi bật như tỉnh Quảng Nam (một trong năm tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền trung); Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, tỉnh từng bước liên kết, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với các tỉnh khu vực miền trung và Tây Nguyên; đưa Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông, chậm phát triển vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực, có quy mô nền kinh tế đạt gần 103 nghìn tỷ đồng (năm 2021), tăng gấp 14,5 lần so với năm 2004.

 

Hoàn thiện cơ chế liên kết vùng tạo động lực

 

Thực tiễn đã chứng minh Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đã tạo sức bật cho nhiều địa phương phát huy tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu đặt ra trong bối cảnh, tình hình mới đòi hỏi phải có hướng đi, giải pháp phù hợp.

 

Tại hội thảo Liên kết Vùng Kinh tế trọng điểm miền trung tổ chức tại Quảng Nam vừa qua, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, mặc dù kinh tế từng địa phương vẫn duy trì được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài, song quy mô nền kinh tế Vùng Kinh tế trọng điểm miền trung còn tương đối nhỏ và chiếm tỷ trọng khá thấp trong nền kinh tế Việt Nam.

 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, tuy nhiên một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ việc liên kết phát triển vùng còn nhiều hạn chế. Cụ thể, liên kết vùng đang thiếu các hành lang pháp lý và cơ chế phối hợp, chế tài thực thi phù hợp. Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm chưa có địa vị pháp lý đầy đủ, không đủ nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của vùng cho nên chưa có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch vùng.

 

Hội đồng này chưa được trao quyền trong việc quyết định các nguồn lực cho các dự án vùng. Vì vậy, sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương trở nên rời rạc và hình thức, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp vùng.

 

Trên thực tế, năng lực, tư duy và trình độ quản lý vùng chưa theo kịp sự phát triển. Do đó, hệ thống thông tin dữ liệu chung của vùng chưa được quan tâm cũng như thiếu sự phân công giữa các địa phương trong vùng. Một số tài nguyên, nguồn lực bị khai thác manh mún cho nên hiệu quả thấp; liên kết các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chưa đa dạng, chưa chặt chẽ; kết nối hạ tầng giao thông, cảng biển, đường sắt, đô thị còn bất cập…

 

Đặc biệt, tư tưởng lợi ích theo địa giới hành chính còn tồn tại hiện tượng mỗi địa phương là một nền kinh tế dẫn đến liên kết phát triển ít được quan tâm, thậm chí còn cạnh tranh với nhau làm triệt tiêu lợi thế của toàn vùng.

 

Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chia sẻ, Quốc hội mới thông qua Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, với mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa “là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Tuy nhiên, có nhiều nội dung nếu không có sự hỗ trợ, hợp tác liên kết giữa các địa phương trong tiểu vùng thì một mình tỉnh Khánh Hòa khó có thể thực hiện thành công cơ chế, chính sách đặc thù này.

 

Do vậy, hoàn thiện cơ chế liên kết vùng tạo động lực phát triển là hướng đi mới giúp các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phát triển nhanh, bền vững.

 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để hoàn thiện thể chế liên kết cần lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý. Hiện nay, chúng ta đang có sáu vùng kinh tế, tương ứng sẽ có sáu quy hoạch vùng, thể chế liên kết vùng sẽ thực hiện trên cơ sở sáu quy hoạch vùng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Về cơ chế hoạt động, Hội đồng điều phối vùng không phải là một cấp hành chính mà chỉ là một tổ chức được Chính phủ và các địa phương trong vùng ủy quyền thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến liên kết phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ và các địa phương trong vùng. Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững vùng, bao gồm cả phát triển vùng kinh tế trọng điểm.

 

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc liên kết phải dựa trên các quan điểm: Lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng; phát huy vai trò điều phối, có tính then chốt và hiệu quả của chính quyền Trung ương. Huy động sự tham gia và gắn kết giữa các bên tham gia liên kết vùng trên cơ sở tôn trọng, hài hòa lợi ích, khuyến khích sự linh hoạt và sáng tạo, bảo đảm tạo lập và củng cố sự tin tưởng lẫn nhau.

 

Xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối và tạo thuận lợi cho các chính quyền địa phương thực hiện liên kết vùng. Thực hiện liên kết vùng trên một số lĩnh vực quan trọng: Phát triển cơ sở hạ tầng vùng; quản lý và khai thác nguồn nước; thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; phát huy văn hóa dân tộc; phòng, chống tội phạm...

 

Cũng theo ý kiến của nhiều tỉnh ủy, thành ủy trong vùng thì cần phải có nguồn lực để bảo đảm cho Vùng kinh tế trọng điểm. Bởi nếu đã xác định vùng trọng điểm thì phải có cơ chế để ưu tiên đột phá phát triển vùng trọng điểm, tạo sức lan tỏa và là động lực kích thích cho vùng kinh tế đã được xác định. Nên nghiên cứu phân lại Vùng kinh tế trọng điểm. Bản thân năm tỉnh, thành phố thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm miền trung hiện nay sẽ không thể đủ sức để trở thành động lực cho cả khu vực. Thời gian tới phải tính đến cả các tỉnh Tây Nguyên và hiện nay mới chỉ liên kết các tỉnh theo trục dọc, chưa có liên kết ngang.

 

Hiện, Bộ Chính trị đang giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp các bộ, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng tổng kết đánh giá những kết quả đạt được cũng như những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.

 

Đây sẽ là cơ hội để chúng ta tìm ra điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, từ đó tìm ra hướng đi mới cho vùng kinh tế quan trọng này như hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh liên kết vùng tạo động lực.

 

Theo Nhandan.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang