Đây là một hướng tiếp cận tích cực dành cho các DN CNHT Việt Nam khi muốn nâng cao năng lực, hay hiểu rõ các “tiêu chuẩn” để trở thành các “mắt xích” trong chuỗi cung ứng sản phẩm phụ trợ ô tô cho các Tập đoàn quốc tế như Toyota. Theo đó, Cục Công nghiệp và Toyota Việt Nam đã tổ chức tham quan thực tế tại 2 nhà cung cấp nội địa của Toyota Việt Nam là: Công ty CP Xích líp Đông Anh và Công ty TNHH Cơ khí HTMP Việt Nam. Cũng qua hoạt động này, nhìn lại thực trạng ngành phụ trợ ô tô, mới thấy Chương trình thêm ý nghĩa.
Từ thực trạng
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được, ban hành ngày 17/8/2021 cho thấy, hiện các doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam mới sản xuất được 287 loại linh kiện (trong tổng số khoảng 20.000 - 30.000 chi tiết, linh kiện của một chiếc xe). Sở dĩ có thực trạng này cũng là bởi các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam dù rất muốn bước chân vào chuỗi cung ứng CNHT ô tô toàn cầu, nhưng lại hạn chế về năng lực nhiều mặt: từ vốn đầu tư cho đến công nghệ sản xuất, chất lượng lao động,…
Theo các chuyên gia CNHT, hiện nay, các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam chủ yếu mới sản xuất được những sản phẩm giản đơn như băng keo dán kính chắn gió, nhãn tiêu thụ năng lượng, tem đăng kiểm, tem nhiên liệu, ống dẫn xăng dẫn nước, nắp che két nước, lốp không săm, dây điện, miếng đệm biển số sau, chắn bùn, bộ ghế, cản xe, ắc quy, vành xe, ống xả, điều hòa không khí… và chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền dập thân, vỏ xe cũng như không có đơn vị sản xuất những chi tiết quan trọng về động cơ, hệ truyền động, hộp số, hệ thống an toàn và nhiều hệ thống điện tử trên xe…
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho biết, hiện một chiếc ô tô có đến khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước nhưng chủ yếu vẫn là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn... Điều này đã khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn từ 10 – 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp CNHT ô tô với sự tham gia các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó đóng góp đáng chú ý của một số doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhưng vẫn có đến 80% là doanh nghiệp nước ngoài, phần lớn số còn lại có quy mô nhỏ, tiếp cận vốn khó, khó có điều kiện đầu tư cho công nghệ và việc liên kết giữa các doanh nghiệp này còn khá yếu. So với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3, trong khi Việt Nam chỉ có chưa đến 150.
Nguyên nhân chính khiến ngành CNHT ô tô thời gian qua không phát triển được là do quy mô thị trường ô tô Việt Nam nhỏ, so với Thái Lan mới chỉ bằng 1/3 và so với Indonesia bằng 1/4. Quy mô thị trường nhỏ, lại bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều mẫu mã khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt. Chính vì thế, khả năng để nội địa hoá, phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô rất khó…
Đến cách tiếp cận tích cực
Từ thực trạng cũng như khó khăn nói trên cho thấy, việc Cục Công nghiệp phối hợp với Toyota Việt Nam thực hiện Chương trình tham quan thực tế nhà cung cấp của Toyota là một trong những cách tiếp cận, giải pháp tích cực giúp các DN phụ trợ trong nước có cơ hội tìm hiểu và tiến tới trở thành nhà sản xuất phụ trợ ô tô đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chương trình đã thu hút hơn 20 doanh nghiệp CNHT Việt Nam tham dự. Từ đó, các DN đã trực tiếp được quan sát, lắng nghe những chia sẻ kinh nghiệm của Công ty CP Xích líp Đông Anh và Công ty TNHH Cơ khí HTMP Việt Nam – hai trong số nhiều doanh nghiệp đã thành công, đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn Toyota. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Dự án hợp tác giữa Cục Công nghiệp với Toyota Việt Nam. Trước đó, tháng 5/2021, Cục Công nghiệp cũng đã cùng Toyota Việt Nam tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp CNHT trong ngành Ô tô, nhằm mang lại nhiều giá trị thiết thực, góp phần nâng cao năng lực, tăng khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất toàn cầu cho các doanh nghiệp CNHT Việt Nam.
Toyota Việt Nam cho biết, Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực CNHT bao gồm 4 hoạt động chính: Một là, sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam; Hai là, tổ chức các chuyến thăm thực tế tại nhà máy Toyota Việt Nam và nhà cung cấp nội địa của Toyota; Ba là, tìm kiếm, hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2 và cấp 3 và giới thiệu đến nhà cung cấp cấp 1 từ những dữ liệu của hoạt động sàng lọc; Bốn là, hỗ trợ tham gia đào tạo theo một số Chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam.
Trong khuôn khổ Chương trình, ông Hiroshi Okamura - Phó Giám đốc Khối Kế hoạch bán hàng & Dịch vụ, Toyota Việt Nam nhấn mạnh: “Từ khi vào Việt Nam, Toyota luôn nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của ngành Công nghiệp hỗ trợ ô tô nội địa và không ngừng củng cố mạng lưới nhà cung cấp trong nước để phát triển ngành công nghiệp lâu dài. Bởi vậy, chuyến tham quan thực tế này thật sự hữu ích cho các doanh nghiệp CNHT đang trong quá trình chuyển mình để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng ngành CNHT ô tô trong nước, tạo tiền đề tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…”.
Có thể nói, thông qua Dự án hợp tác này, các DN phụ trợ Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, họ có thể từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của khách hàng không chỉ về giá cả, công nghệ, chất lượng, giao hàng mà còn cả yêu cầu về an toàn, môi trường, điều kiện lao động, trách nhiệm xã hội,…
Nhuận Chí