Theo đánh giá của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), những năm gần đây, cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông trong nước tiếp tục được mở rộng, hiện đại hóa và phát triển mạnh mẽ, đã góp phần đưa dịch vụ số vào các hoạt động đời sống kinh tế - xã hội và là nền tảng vững chắc cho nền kinh tế số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế do nguồn ngân sách đầu tư còn khiêm tốn, trong khi khả năng xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển vào hạ tầng số còn khó khăn.
Với mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam vào tốp 50 quốc gia chuyển đổi số năm 2025, Việt Nam cần tập trung khuyến khích, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số nhiều hơn gấp 2, 3 lần giai đoạn vừa qua. Thực tế, ngành Viễn thông cũng đặt ra một số mục tiêu như năm 2025 cơ bản phủ sóng các địa phương lớn và đến năm 2030, 100% dân số sẽ được phủ sóng 5G, 100% người dùng trưởng thành sử dụng smartphone... Nếu chỉ thông qua hoạt động đầu tư, phát triển hạ tầng số từ các doanh nghiệp nhà nước, sẽ khó đạt được mục tiêu trên. Vì vậy, cần khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội, trong đó có khối tư nhân.
Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) Tào Đức Thắng, về phát triển hạ tầng số, với năng lực và công nghệ hiện nay, các nhà mạng Việt Nam đều có thể bảo đảm đáp ứng tốt cho chiến lược phát triển kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, việc triển khai hạ tầng thụ động (nhà trạm, cột BTS…) mất rất nhiều thời gian và tốn kém chi phí. Do đó, để triển khai nhanh hơn nữa trong giai đoạn tới, Viettel đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông có chiến lược quốc gia phát triển hạ tầng thụ động nhằm huy động được tổng thể các nguồn lực của nhiều đối tượng trong xã hội. Ví dụ các đơn vị, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý đô thị, công viên, chiếu sáng, điện lực vốn có lợi thế trong xây dựng các cột điện, cột chiếu sáng… có thể đầu tư phát triển hạ tầng thụ động để các nhà mạng thuê lại phát triển hạ tầng số.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Tô Dũng Thái cho biết, VNPT sẽ tập trung xây dựng hạ tầng số và hạ tầng lưu trữ đám mây để phục vụ cho chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Hiện việc phát triển mạng 5G cần đầu tư nguồn vốn rất lớn (do số trạm gấp 3-4 lần mạng 3G, 4G mới bảo đảm vùng phủ) nên ngoài việc dùng chung hạ tầng của các nhà mạng cũng cần tới tính tới phương án xã hội hóa đầu tư…
Về phát triển hạ tầng số trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đang xây dựng một số chính sách lớn như, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp tư nhân vào phát triển hạ tầng. Các doanh nghiệp nhà nước tập trung nguồn lực vào các địa bàn chưa có hạ tầng mạng cáp quang, nhất là vùng sâu, vùng xa, cùng với đó thực hiện nâng cao chất lượng đầu cuối để phổ cập dịch vụ tới từng người dân. Trước mắt, trong năm nay, cơ quan quản lý nhà nước sẽ bổ sung băng tần 2,3GHz cho các nhà mạng để phát triển hạ tầng 4G, qua đó thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Dự thảo chiến lược đã xác định tầm nhìn mục tiêu phát triển hạ tầng số sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các ngành và trở thành động lực phát triển kinh tế, đưa kinh tế số chiếm 20% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào năm 2025... Dự thảo cũng đặt mục tiêu năm 2025 đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về phát triển hạ tầng số; đưa Việt Nam nằm trong nhóm 2 nước dẫn đầu ASEAN về trung tâm dữ liệu; bảo đảm mọi người dân được sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao và giá cả phù hợp.
Theo Hà Nội mới