Huyện có 3 vùng kinh tế rõ rệt, có nhiều tiềm năng kinh tế biển; các dự án đầu tư đang được phát huy tác dụng, một số doanh nghiệp đầu tư vào huyện đã duy trì và mở rộng quy mô sản xuất có hiệu quả; hệ thống giao thông quốc lộ 1A, quốc lộ 10 đi qua huyện, cùng những dự án mới đang tiếp tục được đầu tư, đã tạo điều kiện kết nối, phát huy thế mạnh, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế; di tích quốc gia Đền Bà Triệu được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, cùng với các di tích lịch sử văn hóa, rừng ngập mặn ven biển... là điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương. Đó là những tác nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hậu Lộc.
Quá trình thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ, Chính quyền Hậu Lộc luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là vấn đề biển Đông; thiên tai, dịch bệnh, thời tiết diễn biến khó lường. Song Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân trong huyện đã đoàn kết, thống nhất, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của tỉnh, sự hỗ trợ của các Sở, Ban, Ngành trong tỉnh, các tổ chức quốc tế, phát huy những tiềm năng và các nguồn lực của địa phương, phấn đấu thực hiện hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV đã đề ra.
Tiềm năng, thế mạnh kinh tế của từng vùng được phát huy, khoa học kĩ thuật công nghệ được ứng dụng, nâng cao năng suất và hiệu quả, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi. Các loại cây hàng hóa như ớt, dưa bao tử, dưa hắc mỹ nhân, rau cải chân vịt... được các địa phương mở rộng diện tích, thu nhập bình quân đạt 100 đến 150 triệu đồng/ha/vụ. Hàng năm, diện tích gieo trồng ổn định 17.000 ha, bước đầu xây dựng quy hoạch vùng lúa năng suất, chất lượng cao, vùng sản xuất cây màu hàng hóa. Sản lượng lương thực ổn định ở mức 73 ngàn tấn, tăng 4,5% so với năm 2010, đạt 97% mục tiêu đại hội.
Nhiều mô hình kinh tế trang trại phát triển, giải quyết được nhiều việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Toàn huyện có 952 trang trại, gia trại, trong đó có 73 trang trại đạt tiêu chí của Trung ương, tăng hơn 2 lần so với năm 2010. Huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ đề án phát triển kinh tế vùng miền của huyện. Kinh tế biển tiếp tục phát triển cả trong khai thác, nuôi trồng và dịch vụ. Trong khai thác, đã chú trọng nâng cao năng lực vươn khơi. Toàn huyện đã có gần 300 phương tiện, công suất máy từ 90 trở lên, được ứng dụng kĩ thuật tiên tiến như máy dò cá, máy định vị... khai thác xa bờ. Diện tích nuôi trồng được mở rộng, tập trung phát triển theo hướng đa con, đa canh, tăng giá trị sản xuất. Sản lượng thủy, hải sản mỗi năm trên 30 ngàn tấn, thực hiện trong 5 năm đạt trên 154 ngàn tấn, vượt 6% mục tiêu đại hội, tăng 41,8% so với năm 2010. Sản lượng sản xuất muối biển 5 năm đạt 53 ngàn tấn, vượt 4% mục tiêu đại hội và tăng gần 12% so với năm 2010.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển. Một số nghề truyền thống như rèn, xây dựng, mộc dân dụng, thảm cói... được duy trì. Các nghề mới như may công nghiệp, cói mĩ nghệ, khâu bóng, rát bạc... phát triển mạnh, đã giải quyết được hơn chục ngàn lao động có việc làm cố định. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – xây dựng (theo giá so sánh 1994) bình quân tăng 21,3% so với năm 2010.
Các thành phần kinh tế phát triển khá đa dạng. Đến nay, toàn huyện có 155 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 3 doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, sản phẩm hàng hóa từng bước khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước, như hàng may mặc của Công ty IVORY, rượu Chi Nê của Công ty Cổ phần Thương mại Hậu Lộc, mắm tôm của Công ty Hòa Hải, mực khô, tôm nõn...
Chương trình xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo chặt chẽ từ khâu khảo sát, xây dựng quy hoạch, xác định lộ trình cho từng tiêu chí. Các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện được triển khai hiệu quả, thiết thực, đã phát huy được sức mạnh nội lực của nhân dân. Sau 4 năm thực hiện, các cơ sở hạ tầng từ xã đến thôn đều được nâng cấp, trong đó, xây dựng 47 km kênh mương nội đồng, 110 km đường giao thông nội đồng, nâng cấp 80 km đường giao thông liên thôn, 7 trung tâm văn hóa, thể thao, 9 trạm y tế xã...
Giáo dục, đào tạo phát triển khá toàn diện. Quy mô trường lớp ổn định, chất lượng đội ngũ nhà giáo được quan tâm. 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó 80% đạt trên chuẩn, 2,1% có trình độ thạc sĩ, nhiều giáo viên giỏi cấp tỉnh. Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn huyện đã có 51 trường học đạt chuẩn quốc gia, bẳng 56,7%.
Lao động việc làm, giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên. Số hộ giàu, hộ khá tăng nhanh, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,4%, hộ cận nghèo giảm còn 9,57%, vượt 2,3% mục tiêu đại hội. Tỉ lệ hộ giàu và khá đặt 69%, vượt 7% mục tiêu đại hội.
Qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXV, trong điều kiện có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh, các Sở, ban, ngành, kết hợp với tính chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cườngcủa lãnh đạo huyện đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu mà đại hội đề ra. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, môi trường đầu tư được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay. Văn hóa xã hội có chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn được giữ vững. Thành quả đó sẽ là nền tảng, là động lực giúp Hậu Lộc tiếp tục vững bước vượt khó đi lên, tiếp tục nỗ lực khai thác tiềm năng, thế mạnh, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, cùng sánh vai với các huyện khác trong tỉnh. Tin rằng, Hậu Lộc sẽ có bước bứt phá mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, đạt được các mục tiêu, chương trình kinh tế trọng điểm mà Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.
Xuân Trường