Thứ Bẩy, 23/11/2024 08:34:41 GMT+7
Lượt xem: 3186

Tin đăng lúc 07-09-2016

Huyện Hoằng Hóa: Triển khai nhiều giải pháp, phát triển du lịch theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững

Là vùng đất thuộc huyện ven biển nên Hoằng Hóa được ảnh hưởng trực tiếp khí hậu đại dương nhiệt đới, bốn mùa cây cối tốt tươi, môi trường thoáng mát, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp và các loại nông sản khác.
Huyện Hoằng Hóa:  Triển khai nhiều giải pháp, phát triển du lịch theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững
Ông Lê Đức Giang – Phó Bí thư - Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, phòng Văn hóa thông tin đến thăm Giáo xứ Ngọc Đỉnh - Hoằng Hà

Bờ biển Hoằng Hóa dài 12 km, giáp hai cửa lạch: Lạch Trường (tức cửa Y Bích) làm ranh giới với Hậu Lộc, rộng khoảng 300 m và Lạch Trào (tức cửa Hội Triều) còn gọi là Cửa Hới, rộng khoảng 400 – 500 m, làm ranh giới với Quảng Xương. Cả hai nơi đều là vùng tiềm năng sinh sản tôm, cua, cá nước lợ, riêng Lạch Trào còn có thêm rau câu. Đặc biệt, từ năm 2012, Hoằng Hóa đã khai thác thêm một nguồn lực lớn, đó là thế mạnh về tiềm năng du lịch biển tại khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến với tổng quy hoạch là 400,64 ha.

 

Từ lâu, Hoằng Hóa đã được mệnh danh là vùng đất khoa bảng “địa linh nhân kiệt”, có truyền thống yêu nước, hiếu học rất đỗi tự hào. Khí thiêng, tinh túy của quê hương Hoằng Hóa đã sinh ra nhiều danh nhân tên tuổi, trí thức tài năng, làm rạng danh cho quê hương, đất nước, được nhân dân ghi nhận và vinh danh. Từ đầu thời Trần đến cuối thời Nguyễn, có gần 50 người đỗ đại khoa. Rực rỡ nhất là dưới thời Lê, trong số 82 bia đá ghi tên hơn 1.000 tiến sĩ dựng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) thì Hoằng Hóa đã có tới 36 người như Đông các đại học sĩ Lưu Diễm; Bảng nhãn Lương Đắc Bằng; Đệ nhất giáp Tiến sĩ Nguyễn Sư Lộ; Đệ nhất giáp Tiến sĩ xuất thân Lưu Đình Chất…

 

Tiềm năng và thế mạnh về du lịch của huyện được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho vùng đất hữu tình, giang sơn tú mị, thế núi hình sông hiền hòa, êm đềm như lòng người đầy ắp nhân hậu và hiếu khách. Những thế mạnh đó cho phép Hoằng Hóa phát triển ngành du lịch một cách tổng hợp như du lịch sinh thái biển, du lịch tâm linh, du lịch lịch sử và nhân văn… Những năm qua, cùng với việc tập trung khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển nông nghiệp, thủy, hải sản, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), huyện đã chú trọng đến việc phát triển dịch vụ với nhiều chủ trương, giải pháp để vừa phát huy nội lực, vừa thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn, gắn kết phát triển dịch vụ, thương mại với phát triển du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Hàng năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất đều cao, bình quân giai đoạn 2010 – 2015 đạt trên 20%, thu hút được nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và lao động vào lĩnh vực này. Năm 2011, có 3.683 cơ sở với 4.500 lao động, đến hết năm 2015 có khoảng 4.340 cơ sở sản xuất (tăng 657 cơ sở) với hơn 6.600 lao động (tăng 2.100 lao động).

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện, các hoạt động về dịch vụ, thương mại đang phát huy hiệu quả, các loại hình kinh doanh dịch vụ như dịch vụ tài chính ngân hàng (tín dụng), dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa tăng nhanh cả về chất lượng và năng lực vận tải, dịch vụ điện năng, cung ứng xăng dầu, dịch vụ nông nghiệp, hậu cần nghề cá… cơ bản đáp ứng tốt cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, dịch vụ du lịch bước đầu đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Hoạt động thương mại rộng khắp, đáp ứng được cung, cầu của thị trường. Các chợ đã và đang được nâng cấp, cải tạo từng bước chuyển đổi mô hình quản lý. Công tác quy hoạch hệ thống dịch vụ, thương mại trên địa bàn huyện như các cụm công nghiệp dịch vụ, các hệ thống chợ, trung tâm thương mại, hệ thống các cửa hàng xăng dầu… được quan tâm chú trọng, phù hợp với quy hoạch KT-XH và quy hoạch nông thôn mới.

 

Thực hiện chương trình phát triển du lịch, lãnh đạo huyện Hoằng Hóa đã tích cực triển khai nhiều giải pháp hiệu quả như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức họp báo, xuất bản các ấn phẩm, chủ động kết nối, tổ chức các sự kiện, gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành, với khách du lịch, tổ chức các cuộc hội chợ, triển lãm trong và ngoài huyện, tỉnh nhằm giới thiệu, các sản phẩm du lịch, tiềm năng, lợi thế của vùng đất và con người Hoằng Hóa đến với khách du lịch.

 

Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh những sai phạm về du lịch được tăng cường. Các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được triển khai đầy đủ và kịp thời đến các đơn vị, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn toàn huyện.

 

Công tác quy hoạch phát triển du lịch được triển khai kịp thời, đồng bộ, nhiều khu, điểm du lịch đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, để thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm như khách sạn, nhà hàng, các khu hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, các công trình công cộng, dự án đường giao thông đến khu du lịch Hải Tiến, các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng được trùng tu, tôn tạo phục vụ hoạt động du lịch và khách du lịch.

 

Nguồn nhân lực được coi trọng, huyện đã ban hành và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ phục vụ, hướng dẫn viên du lịch. Hàng năm, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Thanh Hóa mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và công tác quản lý nhà nước về hoạt động du lịch, cử công chức Phòng Văn hóa và Thể thao, viên chức Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao, công chức văn hóa các xã, thị trấn tham gia các lớp thuyết minh viên do tỉnh tổ chức. Các công ty du lịch đã chủ động phối hợp tổ chức bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ nhân viên, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ.

 

Để du lịch trở thành ngành kinh tế động lực và phát triển bền vững, thời gian tới, huyện đã xác định tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển các tour, tuyến du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch có hiệu quả đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí của du khách, có hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, gắn liền với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, sử dụng và khai thác có hiệu quả các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Xây dựng khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến phát triển thành trung tâm du lịch của tỉnh, là địa chỉ hấp dẫn của du khách và trở thành thương hiệu du lịch của Hoằng Hóa trong thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế. 

Chu Đức


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang