Nhờ có giao thông tương đối thuận tiện nên huyện có nhiều điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, sản xuất hàng hóa cung cấp cho các vùng, miền khác. Đặc biệt, do lợi thế có mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nối các tỉnh Tây Bắc với thủ đô Hà Nội, nằm trong tam giác công nghiệp của tỉnh Phú Thọ nên Lâm Thao đóng vai trò rất quan trọng trong việc phân bố các khu công nghiệp, là địa bàn hấp dẫn đối với các dự án đầu tư.
Giai đoạn 2011-2015, huyện đã ưu tiên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, tiến tới đa dạng hóa các ngành nghề dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 1.300 doanh nghiệp, cơ sở đang hoạt động và chuẩn bị đi vào hoạt động, chủ yếu ở các lĩnh vực: Xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ ép, sản xuất các loại vải bạt…, đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của Huyện, các phòng ban liên quan đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công - Tư vấn và Tiết kiệm năng lượng tỉnh tổ chức các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như: Chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và thiêt bị KHKT; Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; Chương trình phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin, hỗ trợ liên kết, liên doanh hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp... Đặc biệt, để thu hút đầu tư vào các cụm CN-TTCN, làng nghề, Huyện đã cải tạo nâng cấp tuyến đường giao thông số 4 (quốc lộ 32C đi CCN Lâm Thao) với tổng mức đầu tư hơn 348 triệu đồng; Xây dựng hệ thống rãnh dọc thoát nước mặt hai bên đường vào cụm CN Kinh Kệ - Hợp Hải từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương với tổng chiều dài tuyến kênh 919 mét, tổng mức đầu tư 1,5 tỷ đồng…
Nhờ thực hiện được các chương trình hỗ trợ đó mà các cụm CN-TTCN, làng nghề thu hút được 20 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn đầu tư đăng ký ước đạt hơn 202 tỷ đồng. Trong đó: Cụm công nghiệp Lâm Thao có 8 dự án, diện tích đất quy hoạch công nghiệp đã giao cho doanh nghiệp sản xuất hơn 26 ha; Khu làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Sơn Vy đã thu hút được 10 dự án đầu tư; Cụm CN-TTCN thị trấn Hùng Sơn đã thu hút được 4 dự án; Huyện đã thu hút đầu tư mới dự án chế biến nông sản xuất khẩu GOC tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng, quy mô diện tích 4,5ha, số lao động dự kiến 450 công nhân. Hiện nay, nhà đầu tư đang triển khai thi công, dự kiến đến hết năm 2016 sẽ đi vào hoạt động sản xuất.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Thế Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tuy mặc dù địa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các chi phí tăng cao, hạ tầng chưa đồng bộ; quy mô sản xuất CN-TTCN còn nhỏ lẻ; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn chậm... Trong năm 2016, Huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh duy trì và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Thực hiện tốt công tác khuyến công; quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ đất; quan tâm vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tiếp tục tập trung phát triển các ngành hàng chủ yếu và có lợi thế như: Sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ mới, sản xuất đồ mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ, chế biến gỗ, sản phẩm dệt may, cơ khí nhỏ và sửa chữa điện tử, điện lạnh; chế biến nông sản thực phẩm; khai thác khoáng sản, đồng thời nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trên lĩnh vực sản xuất CN-TTCN ….
Như Trang