Nổi bật là tổng sản lượng lương thực trong năm đạt 21.253,07 tấn, lương thực bình quân đầu người khoảng 455 kg/người/năm; Sản lượng thịt hơi các loại đạt 1725 tấn. Tổng vốn đầu tư phát triển là 120.148 triệu đồng; Thu ngân sách trên địa bàn đạt 23,5 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội và văn hóa, năm qua, huyện đã đào tạo nghề cho 370 lao động, tạo việc làm mới cho 250 lao động. Tỷ lệ huy động trẻ năm học 2018 – 2019, từ 3 – 36 tháng tuổi ra lớp đạt 42,7%; từ 3 – 5 tuổi đi học đạt 99,1%; huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99%. Bậc tiểu học tỷ lệ học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ học sinh 6 – 10 tuổi học tiểu học đạt 99,9%. Xây dựng thêm 4 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia của toàn huyện lên 30 trường. Tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn phổ cập, chống mù chữ.
Tỷ lệ sinh đã giảm 0,14%/năm, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống còn 17,9%. Tỷ lệ 9 bác sĩ/1 vạn dân, 6 trạm y tế xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đầu tư xây dựng thêm 1 trạm y tế xã, đạt bộ tiêu chí quốc gia (xã Na Sang).
Toàn huyện có 4.360 gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, chiếm 50,43% tổng số gia đình toàn huyện; 71 thôn, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa, chiếm 57,2% số bản, tổ dân; 111 cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa, chiếm 89,5% tổng số cơ quan, 1 xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa nông thôn mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, y tế, văn hóa ngày càng hoàn thiện. Công tác phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm, trên địa bàn huyện có 91,7% số xã có đường ô tô đến trung tâm, đi lại được quanh năm, 48% số thôn bản có đường giao thông liên bản và ngõ xóm được cứng hóa, 74% số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia, 83,5% diện tích lúa nước có hệ thống thủy lợi tưới tiêu, 95% số hộ được xem truyền hình Trung ương thường xuyên.
Kinh tế của huyện có bước phát triển, phát huy được lợi thế về đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp, sản lượng lương thực đạt 98,87% mục tiêu đến năm 2020. Các mô hình sản xuất tư nhân, hợp tác xã hoạt động ngày càng có hiệu quả (HTX Dứa và HTX dong riềng). Các công trình thủy điện Nậm Mức, Trung Thu đi vào hoạt động đã góp phần tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp trên địa bàn huyện. Giao thông nông thôn được mở rộng và nâng cấp. Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương được ưu tiên đầu tư.
Thực hiện tốt công tác kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tích cực triển khai nhiều biện pháp để khai thác các nguồn thu từ thuế, phí, thu từ cấp quyền sử dụng đất, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản hợp lý, ưu tiên chi các nhiệm vụ thiết yếu và các công trình trọng điểm, cấp bách. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt trên 23,5 tỷ đồng vào năm 2018, đạt 91,47% mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2020. Hoạt động tài chính – tiền tệ bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; năng suất lao động được nâng lên, tạo sự hợp tác phát triển và liên kết vùng trồng dứa, dong riềng trên địa bàn huyện.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn làm việc tại huyện Mường Chà
Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Nâng cao đời sống nhân dân, gồm: công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu nghèo. Thực hiện các quyền của trẻ em, đẩy mạnh phát triển đoàn thanh niên, chăm sóc người có công và bình đẳng giới. Làm tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng.
Từ thực tiễn trong quá trình hoạt động, huyện Mường Chà đã rút ra bài học kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng và công tác quản lý điều hành của chính quyền địa phương. Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, lối sống, có trình độ, năng lực và trách nhiệm cao. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân là nhân tố quyết định đến sự thành công trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, coi trọng việc phát triển kinh tế gắn với tập trung giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân. Thực hiện tốt chính sách với người có công, gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đoàn kết nội bộ trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở làm nòng cốt cho toàn dân đoàn kết và đồng thuận xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh.
Những bài học kinh nghiệm quý đó luôn là tiền đề, là kim chỉ nam sẽ được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện cụ thể hóa bằng chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế của huyện. Đảng bộ và nhân dân huyện đang không ngừng nỗ lực, chung tay đưa kinh tế huyện ngày càng phát triển gắn với quan tâm, chăm lo đến an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu đưa Mường Chà trở thành huyện năng động của tỉnh trong tương lai gần.
PV