Thứ Bẩy, 23/11/2024 09:14:32 GMT+7
Lượt xem: 11880

Tin đăng lúc 10-10-2016

Huyện Như Thanh: Tiềm năng du lịch đang thức dậy và tỏa sáng

Như Thanh là một huyện miền núi, cách thành phố Thanh Hóa 36 km về phía Tây Nam, được quy hoạch trong vùng kinh tế động lực Nam Thanh - Bắc Nghệ, cách khu kinh tế Nghi Sơn 18 km, có đường quốc lộ 45 đi qua trung tâm huyện, nối với quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh. Với tiềm năng, vị trí địa lý, giao thông khá thuận lợi, Như Thanh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch và dịch vụ ở địa phương.
Huyện Như Thanh:  Tiềm năng du lịch đang thức dậy và tỏa sáng
Hồ Bến En huyện Như Thanh

Với diện tích tự nhiên 58.829 ha, Như Thanh có nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn phục vụ phát triển du lịch, đặc biệt là Vườn quốc gia Bến En. Đây là khu bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, không chỉ phục vụ cho nghiên cứu khoa học mà còn là nơi tham quan, du lịch sinh thái lý tưởng, có hệ thực vật phong phú với 462 loài và 125 bộ. Bến En có tổng diện tích tự nhiên là 15.339 ha nằm trên địa bàn huyện Như Thanh và Như Xuân, trong đó 1.408,4 ha được quy hoạch vùng lõi phát triển du lịch. Trên mặt hồ có 24 hòn đảo lớn, nhỏ và nhiều hang động nguyên sơ. Ngoài ra Như Thanh còn có hồ Yên Mỹ và nhiều hang động như hang Lèn Pot (xã Xuân Thái); hang Ngọc (xã Xuân Khang).

 

Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên mang tính đặc trưng, Như Thanh còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, đã để lại nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể, với những dấu tích lịch sử như: hang Lò Cao Kháng chiến (xã Hải Vân) được gắn với tên tuổi Giáo sư Trần Đại Nghĩa và Kỹ sư Võ Quý Huân, được xây dựng năm 1949 để sản xuất gang, thép phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Như Thanh còn có nhiều di tích tâm linh như đền Mẫu Phủ Sung (xã Hải Vân); đền Phủ Na (xã Xuân Du); đền Am Tiên (Núi Nưa); đền Bạch Y Công Chúa (xã Phú Nhuận); đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung).

 

Như Thanh có những lễ hội truyền thống, tiêu biểu như Lễ hội Rước Bóng đền Phủ Na, lễ hội Kiên Chiêng Booc Mạy dân tộc Thái, Mường ở làng Rộc Răm xã Xuân Phúc và nhiều loại hình văn hóa dân gian vẫn còn lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc, như Khặp Thái, hát dân ca, hát ru, xường của dân tộc Mường, hiện vẫn đang được các dân tộc gìn giữ. Nhiều ngành, nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, nghề mây tre đan, nghề đan bẹ chuối, nghề thêu, hương bài...

 

Trong thời kỳ đổi mới, kinh tế của huyện Như Thanh ngày càng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ - thương mại, giảm dần tỷ trọng ngành nông – lâm nghiệp. Giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, hệ thống lưới điện, giao thông, thông tin truyền thông, y tế, giáo dục ngày càng được cùng cố, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tiềm năng du lịch đặc trưng, các điều kiện kinh tế phát triển, đang được khơi dậy và đầu tư có hiệu quả, trong tương lai gần Như Thanh sẽ trở thành địa bàn du lịch trọng điểm của tỉnh, trong đó đặc trưng là du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa tâm linh.

 

Ngoài những lợi thế từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của huyện, kết hợp với sự phát triển về kinh tế, xã hội, sự ổn định về chính trị, quốc phòng, an ninh, những năm gần đây, Như Thanh có thêm những lợi thế mới để phát triển du lịch, đó là Khu kinh tế Nghi Sơn – khu kinh tế tổng hợp đa ngành được xây dựng cách trung tâm huyện 70 km, cảng hàng không Thọ Xuân đi vào hoạt động. Với điều kiện đó, Như Thanh có vị trí thuận lợi cả về đường biển, đường bộ và đường hàng không để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đặc biệt ngày 02/02/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp quyết định số 439/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:2000 và quản lý quy hoạch khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, nuôi trai lấy ngọc, kết hợp bảo tồn Vườn quốc gia Bến En, đây là tiền đề rất quan trọng cho để huyện việc mở rộng và phát triển du lịch, xây dựng Bến En thành khu du lịch tổng hợp cấp Quốc gia giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, sẽ quy hoạch chi tiết các Phân khu A, khu B và khu C, Khu du lịch văn hóa và quy hoạch tổng thể các di tích đền Phủ Na, đền Khe Rồng với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.

 

Trong những năm qua, ngành du lịch Như Thanh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Với sự quan tâm của lãnh đạo huyện, Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En được thành lập năm 1992, đã góp phần quan trọng tăng cường công tác quản lý và khai thác phát triển du lịch; Ban hành nhiều văn bản quản lý nhà nước, thành lập các Ban quản lý di tích tại các khu di tích đền Phủ Na, Phủ Sung, Khe Rồng, Bạch Y Công Chúa, Lò Cao Kháng chiến...

 

Với việc đầu tư, nâng cấp đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, bến thuyền vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện, tạo thuận lợi cho khách khi tiếp cận và tham quan, năm 2012, đã thu hút một dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và nuôi trai lấy ngọc, kết hợp bảo tồn Vườn Quốc gia Bến En. Hiện nay, đang thực hiện kiểm kê và giải phóng mặt bằng để thực hiện đầu tư khu C – Khu du lịch Văn hóa. Tính đến năm 2012, toàn huyện đã có 5 khách sạn, nhà nghỉ, tổng số 87 phòng nghỉ, được đầu tư đưa vào sử dụng, với tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng. Một số trung tâm vui chơi giải trí bước đầu hình thành, dịch vụ ăn uống phục vụ khách, dịch vụ bổ trợ như: ngân hàng, viễn thông tăng nhanh cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa đã được nâng cấp, trùng tu, tôn tạo với số vốn trên 6 tỷ đồng, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích, phục vụ nhu cầu nhân dân trong vùng và hướng đến phục vụ khách du lịch, như di tích đền Phủ Na, Phủ Sung, Khe Rồng, Bạch Y Công Chúa, hang Lò Cao Kháng chiến Hải Vân. Huyện phấn đấu đến năm 2020, du lịch Như Thanh là một trong những điểm nhấn về du lịch của tỉnh, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng có tính đột phá trong phát triển KT-XH của huyện…

 

Với quan điểm cầu thị, hiếu khách, cởi mở, “trải thảm vàng” đón nhận các nhà đầu tư của lãnh đạo huyện Như Thanh và cách điều hành chủ động, sâu sát, cụ thể, năng động sáng tạo của các cấp chính quyền địa phương, từ huyện đến xã đang nỗ lực không ngừng, làm thức dậy những tiềm năng vô giá về du lịch trên địa bàn ngày càng bừng lên và tỏa sáng, trở thành điểm nhấn quan trọng về du lịch của tỉnh, có sức lan tỏa rộng khắp trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang