Thứ Năm, 21/11/2024 19:41:18 GMT+7
Lượt xem: 939

Tin đăng lúc 20-02-2024

Huyện Quốc Oai đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hát Dô và gắn biển tên đường Kiều Phú

Sáng 19/2/2024, huyện Quốc Oai tổ chức Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghệ thuật trình diễn hát Dô, xã Liệp Tuyết. Cũng trong buổi Lễ, huyện Quốc Oai đã gắn biển tên đường Kiều Phú nối liền các xã Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Cấn Hữu.
Huyện Quốc Oai đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia hát Dô và gắn biển tên đường Kiều Phú
Hát Dô là một loại hình nghệ thuật cổ truyền, không chỉ mang bản sắc văn hóa mà còn lưu giữ được nhiều giá trị đạo đức và thẩm mỹ của dân tộc. Hát Dô mang tính nghi lễ, gắn với tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh

Di sản hát Dô gắn với tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh

 

Tham dự và trao Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có các ông: Đỗ Đình Hồng, TUV, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, đại diện các phòng chuyên môn thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố; Đàm Công Lợi, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Trường Sơn, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện, cùng các ông, bà trong Ban Thường vụ Huyện uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND, MTTQ huyện và đại diện lãnh đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể Huyện; Ban Chấp hành Đảng bộ xã Liệp Tuyết và đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Liệp Tuyết.

 

 

 Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hà Nội Đỗ Đình Hồng trao bằng công nhận Di sản văn hóa Phi vật thể hát Dô cho chính quyền xã Liệp Tuyết

 

Hát Dô là một loại hình nghệ thuật cổ truyền, không chỉ mang bản sắc văn hóa mà còn lưu giữ được nhiều giá trị đạo đức và thẩm mỹ của dân tộc. Hát Dô mang tính nghi lễ, gắn với tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh.

 

Lời hát Dô thể hiện sự tôn kính của Nhân dân đối với vị thần đứng đầu trong “Tứ bất tử” của Việt Nam; phản ánh nhận thức của người dân về thiên nhiên và ước mơ của người dân về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu... Điều đặc biệt, đó là thông qua nghệ thuật hát Dô, các nghệ nhân trình diễn và người xem thêm gắn bó hơn, đoàn kết hơn, thể hiện tình làng nghĩa xóm.

 

Hát Dô có 3 kiểu: Hát thờ (hát trong đền), hát trúc, hát múa bỏ bộ (hát ngoài sân đền). Hát Dô không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Nội dung chủ yếu của các bài hát là cầu mong sự bình yên, che chở của vị Thánh mà họ ngưỡng mộ, mong muốn một năm làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Tiếp đó là những câu hát về bốn mùa, về các loài hoa, nói lên khát vọng của con người trong nhận thức về thế giới tự nhiên.

 

 

 Thông qua nghệ thuật hát Dô, cả nghệ nhân trình diễn, người xem thêm gắn bó hơn, đoàn kết hơn, thể hiện tình làng nghĩa xóm

 

Với giá trị đó, ngày 06/3/2023, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô của xã Liệp Tuyết là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

 

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng khẳng định, Di sản hát Dô được Nhà nước công nhận không chỉ là niềm vui của Nhân dân xã Liệp Tuyết mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung của người dân Quốc Oai. Do vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, đề nghị các cấp, các ngành, người dân xã Liệp Tuyết tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Đồng thời đề nghị cấp uỷ, chính quyền xã Liệp Tuyết xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di sản; hỗ trợ đối với các nghệ nhân, khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ và phát huy di sản; hỗ trợ cho câu lạc bộ trong việc duy trì, truyền dạy cho các thế hệ kế tục...

 

Gắn biển tên đường Kiều Phú

 

Cũng trong Lễ đón nhận Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô, huyện Quốc Oai cũng đã gắn biển tên đường Kiều Phú nối liền 4 xã Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Cấn Hữu.

 

 

 Đường Kiều Phú nối liền 4 xã: Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Nghĩa Hương, Cấn Hữu

 

Đường Kiều Phú được đặt tên theo Quyết định số 4136/QĐ-UBND ngày 17/8/2023 của UBND Thành phố Hà Nội. Đường Kiều Phú có chiều dài 3,6km; rộng từ 6,5 – 8,5m, từ Cống Ngã Tư, thuộc địa phận xóm 6, thôn Đồng Bụt, xã Ngọc Liệp (cạnh Dự án Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) đến ngã ba giao cắt đường đê tả Tích tại thôn Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu.

 

Được biết, cụ Kiều Phú là người xã Lạp Hạ, huyện Ninh Sơn (sau đổi là Yên Sơn), phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Cụ có tên tự là Hiếu Lễ, hiệu là Linh Sơn, sinh năm 1446, mất năm 1503 đời vua Lê Hiển Tông, thọ 58 tuổi. Khi nhỏ, sống trong gia đình nghèo khó, ông phải đi làm thuê kiếm sống. Song, do thông minh và trí ham học nên mẹ ông đã xin cho theo học trạng nguyên Nguyễn Trực. Được thầy và bạn quý mến giúp đỡ ông đã vượt qua khó khăn lần lượt thi đỗ các kỳ thi Hương đến thi Hội. Trong kỳ thi Hội khoa Ất Mùi năm Hồng Đức thứ 6 (1475) có tới ba ngàn thí sinh dự thi, nhưng ông đã đỗ hạng hai “Đệ nhị giáp đồng tiến sĩ xuất thân” (Hoàng giáp). Sau khi thi đỗ, vừa vinh quy bái tổ thì mẹ ông không may đau yếu và qua đời. Ông xin triều đình về quê chịu tang mẹ. Sau ba năm hết tang, vua cho sứ giả vời vào kinh bổ nhiệm làm quan. Ông từng làm chức Tham chính, Ngự sử rồi Thái nguyên trấn ty đề hình... Khi nhậm chức ở kinh, ông ham đọc sách và đã hiệu đính, viết lời hậu tựa cho cuốn “Lĩnh Nam chích quái” nổi tiếng ở Việt Nam.

 

Minh Ngọc

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang