Lợi thế phát triển sản xuất kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Theo thống kê, huyện Quốc Oai có tổng diện tích gieo trồng lúa và rau màu hàng năm 8.897 ha, 1.194ha trồng cây ăn quả, 180ha trồng chè, diện tích thủy sản là 1.245ha(số liệu năm 2021). Tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 1.553,9 tỷ đồng.
Thời gian qua, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Quốc Oai đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Phát triển mô hình ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào phát triển chăn nuôi, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý quy trình chăm sóc nuôi dưỡng làm cơ sở triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp…
Với những giải pháp đó, huyện Quốc Oai đã và đang hoàn thiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng khai thác lợi thế của từng địa phương trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, tập trung định hướng phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Bên cạnh đó, toàn huyện Quốc Oai có 101 làng có nghề. Trong đó 17 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, thu hút 60% lao động tại các địa phương. Các làng nghề đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.500 hộ dân với trên 11.400 lao động. Một số làng nghề có doanh thu cao trên 120 tỷ đồng/năm đang tiếp tục phát triển mạnh như: Tân Hòa, Cộng Hòa, Ngọc Than, Phú Mỹ, Yên Quán, Ngô Sài. Tăng trưởng bình quân của các làng nghề tại huyện Quốc Oai trong 5 năm trở lại đây đạt khoảng 6,8%/năm.
Chương trình OCOP chấp cánh thương hiệu sản phẩm
Dựa trên tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp sẵn có, tạo động lực thực hiện phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, huyện Quốc Oai đã nhanh chóng, tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP. Ngay từ khi triển khai Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (Chương trình OCOP), huyện Quốc Oai đã tập trung rà soát các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế thuộc 6 nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, may mặc, du lịch, dược liệu, thủ công mỹ nghệ. Trên cơ sở đó, huyện xác định tập trung chủ yếu vào các nhóm lợi thế như: Thực phẩm và thủ công mỹ nghệ. Tính đến nay, toàn huyện đã có 48 sản phẩm của 17 chủ thể được cấp sao. Trong đó, có 33 sản phẩm được cấp 4 sao và 15 sản phẩm đạt 3 sao, chủ yếu là thực phẩm, đồ gỗ mỹ nghệ…
Với 17 chủ thể có sản phẩm được cấp sao, huyện Quốc Oai đang là một trong những địa phương dẫn đầu toàn TP. Hà Nội về số lượng chủ thể tham gia, được đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP. Nhằm tạo sức lan tỏa cho Chương trình OCOP, huyện Quốc Oai đã và đang xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được quy định năm 2019.
Đến cuối năm 2021, huyện Quốc Oai đã tổ chức đánh giá, phận hạng sản phẩm trong Chương trình OCOP năm 2021 thêm cho 31 sản phẩm của 11 chủ thể. Trong đó, tiêu biểu là 11 sản phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân Hoàng Doãn Sơn đến từ xã Tân Phú; miến dong làng So, xã Cộng Hòa của hộ sản xuất Vương Đắc Thỏa; thịt gà đen Hmong của Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú, xã Đông Yên; bột ngũ cóc dinh dưỡng MinMin của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ dinh dưỡng MinMin Việt Mam (xã Cấn Hữu)…
Qua thực tế tìm hiểu cho thấy, Chương trình OCOP huyện Quốc Oai đã tiếp sức, tạo động lực và chắp cánh cho các thương hiêu nông sản, sản phẩm làng nghề phát triển. Sản xuất của các cơ sở, doanh nghiệp đã có được những bước phát triển vượt bậc, tạo công ăn việc làm ổn định cho một bộ phận lao động không nhỏ tại các địa phương. Ngoài ra, sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp đã được cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, tăng độ phủ thị trường và được người tiêu dùng trong, ngoài nước đón nhận.
Trao đổi với Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, Ông Dương Đình Khôi - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & XNK Dương Kiên cho biết: Đối với doanh nghiệp sản xuất Miến dong như chúng tôi, Chương trình OCOP đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Nhờ chương trình này, chúng tôi đã đổi mới quy trình sản xuất, chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã sản phẩm, được tham gia các chương trình hội chợ, mở rộng thị trường và có thêm khách hàng mới…Điểm đáng mừng nhất là trong năm qua, chúng tôi đã xuất khẩu được sản phẩm miến dong sang Nhật và một số quốc gia khác. Đây đều là những khách hàng tự tìm đến chúng tôi từ các thông tin Chương trình OCOP…
Ngọc Minh