Thứ Sáu, 22/11/2024 23:25:58 GMT+7
Lượt xem: 1371

Tin đăng lúc 08-07-2019

Huyện ủy Điện Biên: Bừng sáng trên đại ngàn Tây Bắc

Điện Biên là huyện trọng tâm của tỉnh, hội tụ đầy đủ các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, thương mại, du lịch… Những thế mạnh và tiềm năng đó đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện chung tay nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu KT-XH đã đề ra.
Huyện ủy Điện Biên:  Bừng sáng trên đại ngàn Tây Bắc
Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Sơn thăm và làm việc tại huyện ủy Điện Biên

Mặc dù còn nhiều khó khăn song với phương pháp lãnh đạo khoa học, cầu thị, sâu sát, gần dân, lắng nghe dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở và doanh nghiệp, sự điều hành năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền, sự đoàn kết tin tưởng, hăng say lao động sản xuất của mọi tầng lớp nhân dân trong huyện đang làm cho bức tranh KT-XH của huyện Điện Biên tỏa sáng giữa đại ngàn Tây Bắc.

 

Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch theo hướng tích cực; năm 2018 ước thực hiện cơ cấu nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 32,34% (giảm 1,59% so với năm 2015); công nghiệp và xây dựng chiếm 33,20% (tăng 0,56% so với năm 2015); thương mại – dịch vụ chiếm 34,46% (tăng 1,03% so với năm 2015).

 

Nhằm thúc đẩy các thành phần kinh tế được phát triển mạnh mẽ về số lượng và quy mô, lãnh đạo huyện đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, hoạt động liên doanh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp hoạt động rất hiệu quả. Đến nay, huyện có 115 doanh nghiệp, tăng 22 doanh nghiệp so với năm 2015; 32 hợp tác xã (28 HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, 4 HTX thủy sản), tăng 3 hợp tác xã so với năm 2015; 396 hộ kinh doanh cá thể, tăng 90 hộ so với năm 2015; 12 trang trại được cấp giấy chứng nhận theo quy định. Kinh tế tư nhân ngày càng chiếm ưu thế trong cơ cấu kinh tế của huyện, đã góp phần thúc đẩy năng lực khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên khoáng sản, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của huyện trong tình hình mới.

 

Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện; tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp đến năm 2018 ước đạt 1.845,83 tỷ đồng, tăng 17,93% so với năm 2015, trong đó: Trồng trọt 70,66%, chăn nuôi 21,54%, trong đó thủy sản 4,31%, lâm nghiệp 3,49%. Chủ trương tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp được quan tâm, chỉ đạo; mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ được triển khai ở 13/25 xã, bước đầu đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia khảo sát đầu tư các dự án sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, làm nền tảng cho thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

 

Hoạt động sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được duy trì; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp năm 2018 ước đạt 1.871 tỷ đồng, nhịp độ tăng trưởng bình quân đạt 10,22%/năm, đạt 72,2% NQ. Một số sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng khá như: điện sản xuất, than, xi măng… Đặc biệt, đã hoàn thành và đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Nậm Núa công suất 10,8 MW; Thủy điện Nậm Khẩu Hu công suất 3,3 MW và Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hồng Diệp; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án thủy điện khác,nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh của huyện, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng…

 

Hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ khá sôi động, đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng của nhân dân và phát triển sản xuất; tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ năm 2018 ước đạt 1.986 tỷ đồng, tăng 755,3 tỷ so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,34%/năm. Dịch vụ du lịch được khuyến khích đầu tư đặc biệt là mô hình du lịch cộng đồng đang được huyện hỗ trợ để hình thành gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc và khôi phục các ngành nghề thủ công truyền thống; hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Tây Trang, cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc được duy trì thường xuyên.

 

 

Khách du lịch quốc tế đến với các bản văn hóa huyện Điện Biên

 

Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực.Huyện đã đầu tư 56.755 triệu đồng cho chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, 1.050.806 triệu đồng cho chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó: Ngân sách nhà nước và vốn lồng ghép từ chương trình, dự án, các nguồn vốn 973.682 triệu đồng, nhân dân đóng góp 77.124 triệu đồng; phê duyệt đề án quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới 25/25 xã thuộc huyện. Nguồn vốn giảm nghèo được triển khai cơ bản kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ chính sách, góp phần tạo động lực giúp nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo hiệu quả.

 

Công tác giáo dục – đào tạo có chuyển biến tích cực; thực hiện có hiệu quả Đề án sắp xếp lại hệ thống các trường học thuộc huyện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025; đã hoàn thành việc sáp nhập, thành lập 3 trường theo Đề án; năm học 2018-2019, toàn huyện có 96 trường đang hoạt động và 1 trung tâm GDNN-GDTX, tổng số 1.219 lớp, 32.313 học sinh.

 

Hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố và phát triển; chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được nâng lên; tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, không có dịch lớn xảy ra; toàn huyện có 17/25 xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế (tăng 8 xã so với năm 2015), đạt 85% NQ; 23/25 xã có bác sỹ/vạn dân, đạt 100,2% NQ; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình; tính đến 15/9/2018, ước dân số toàn huyện có 121.061 người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,1% (đạt 100% NQ). Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã được các ngành, các cấp quan tâm bằng các việc làm thiết thực; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 13,5% (giảm 2,6% so với năm 2015), tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin đạt 96%.

 

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, huyện luôn chú trọng giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao mức sống nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Kết quả đã giải quyết việc làm, tạo việc làm mới cho 4.160 lao động, bình quân giải quyết, tạo việc làm mới cho trên 1.400 lao động/năm, đạt 140% NQ; đào tạo nghề cho 3.774 lao động nông thôn, đạt 94,4% NQ; tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt trên 65%, đạt 92,86% NQ. Các chính sách an sinh xã hội, lồng ghép với các chương trình, dự án giảm nghèo bền vững được triển khai kịp thời, đảm bảo việc hỗ trợ được thực hiện đúng đối tượng, phát huy hiệu quả.

 

Mặc dù còn nhiều bề bộn, gian khó và trở ngại trong phát triển kinh tế của huyện, song được sự quan tâm của tỉnh và Trung ương cùng với mọi tầng lớp nhân dân đồng thuận, sát cánh, tuyệt đối tin tưởng vào các cấp ủy đảng và chính quyền, với phương pháp lãnh đạo sâu sát, điều hành quyết liệt của Đảng bộ huyện Điện Biên, tin rằng thành quả đạt được trong thời gian tới sẽ còn cao hơn nhiều, xứng đáng là huyện trọng tâm về KT-XH của tỉnh trong thời kỳ hội nhập.

 

Minh Châu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang