Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Lâm bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, trong bối cảnh tình hình phục hồi chung của nền kinh tế còn chậm, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Song, với những nỗ lực cố gắng và tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành, quản lý của chính quyền các cấp, tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn của đảng bộ và nhân dân trong huyện, đã quyết tâm phấn đấu thực hiện đạt nhiều thành quả trong phát triển kinh tế xã hội năm 2015.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế: 11,21% (KH 12%), tăng 0,14% so với năm 2014, công nghiệp xây dựng tăng 11,74%, thương mại dịch vụ tăng 11,60%, nông nghiệp tăng 0,92%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp – xây dựng chiếm 81,72% (KH 82,99%), thương mại, dịch vụ chiếm 12,58% (KH 11,63%), nông nghiệp chiếm 5,70% (KH 5,38%). Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có chuyển biến tích cực, diện tích gieo trồng cả năm tăng 46,45 ha so với năm 2014. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện tốt, trung bình thực hiện thêm được 1,5 tiêu chí/xã so với năm 2014, bình quân toàn huyện đạt 15,8 tiêu chí. Đến nay, có 4 xã đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gồm: Tân Quang, Đình Dù, Trưng Trắc, Lạc Đạo và đang đề nghị tỉnh thẩm định, công nhận xã Đại Đồng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Văn Lâm là một trong 41 huyện được Chính phủ tặng Bằng khen về xây dựng nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có tiến bộ, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, kỷ luật, kỷ cương tại các nhà trường được chú trọng. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia có nhiều cố gắng, xây mới 55 phòng học, nâng tổng số phòng học lên 732 phòng. Phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục phát triển, tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia về khu di tích Đề Ghênh và Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Lãnh đạo huyện thường xuyên chú trọng, tạo thêm việc làm mới cho 2.000 lao động, tỷ lệ phát triển dân số 0,85%, triển khai rà soát tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đảm bảo, đến nay 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020.
Xác định công nghiệp là động lực thúc đẩy kinh tế của huyện, nên lãnh đạo huyện đã tập trung đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp – xây dựng, hàng năm tăng bình quân 13,36% (KH 18%); Tiếp nhận mới và bàn giao đất cho 25 dự án thuê đất để sản xuất kinh doanh, nâng tổng số 254 dự án, với diện tích đất là 1.092,98 ha; giải quyết việc làm thường xuyên cho 35.028 lao động; tỷ trọng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng; chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Về tiểu thủ công nghiệp, trên địa bàn có 2.040 cơ sở sản xuất, tạo việc làm thường xuyên cho 3.910 lao động. Toàn huyện có 18 làng nghề, trong đó có 6 làng nghề được tỉnh công nhận. Số lao động làm việc trong các làng nghề là 4.700 người. Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề ngày càng đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú. Tổng giá trị ngành dịch vụ thương mại bình quân hàng năm tăng 11,75%. Đến nay, toàn huyện có 3 siêu thị, 7 chợ khu vực, xây mới 3 chợ Lipsap, 30 chợ thôn và 5.540 cơ sở kinh doanh của hộ gia đình, tạo việc làm cho 8.087 lao động. Các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được mở rộng và phát triển, với nhiều loại hình dịch vụ mới được hình thành, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ các khu, các cụm công nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình ứng dụng KHKT vào sản xuất như sản xuất giống lúa mới, rau an toàn, hoa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, thâm canh lúa, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, nước sạch, vệ sinh môi trường cho nhân dân.
Hoàn thành quy hoạch chung xây dựng huyện Văn Lâm đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hệ thống hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và cải tạo, với tổng kinh phí 619 tỷ đồng (đầu tư tuyến huyện 351 tỷ đồng, tuyến xã 268 tỷ đồng). Trong đó, trọng tâm đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông huyết mạch, công trình phúc lợi như đường 19, đường 5B, đường 196, các tuyến đường khu trung tâm huyện.
Với những thành quả đạt được, huyện đã rút ra bài học kinh nghiệm quý trong chỉ đạo điều hành. Trong công tác lãnh đạo cần quán triệt sâu sắc đường lối đổi mới của Đảng, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng phải khẩn trương được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện, xây dựng các chủ trương đúng, hợp lòng dân. Làm tốt công tác dự báo, quy hoạch cụ thể. Huy động tốt mọi nguồn lực phát triển kinh tế, coi trọng nguồn vốn của các thành phần kinh tế và mọi tầng lớp nhân dân. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đặc biệt là nâng cao vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, sự quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp và phát huy năng lực hoạt động của MTTQ, các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành luật pháp của cán bộ công chức. Quy hoạch, đào tạo cán bộ, công chức đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Cùng với những thành tựu to lớn và những bài học kinh nghiệm quan trọng, sau gần 30 năm đổi mới của đất nước, nhất là những thành quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, là những yếu tố tích cực, thuận lợi cho Đảng bộ và nhân dân Văn Lâm phát huy các nguồn lực, lợi thế để phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của huyện trong giai đoạn 2015 – 2020, với mục tiêu tổng quát là xây dựng đảng bộ huyện trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Vai trò của MTTQ và các đoàn thể, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác tốt lợi thế, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Phát triển đô thị và văn hóa, đảm bảo quốc phòng, an ninh giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phấn đấu đưa Văn Lâm sớm trở thành huyện công nghiệp phát triển bền vững.
Xuân Trường