Mười năm qua, Hà Nội đã đẩy mạnh việc huy động vốn đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển. Giai đoạn 2008-2017, tổng đầu tư xã hội của Thủ đô đạt 2,03 triệu tỷ đồng, tăng trung bình 15,21%/năm. Trong đó, năm 2017, vốn đầu tư xã hội đạt 308.219 tỷ đồng, gấp 2,85 lần so với năm 2008. Riêng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hà Nội đã thu hút được 3.237 dự án, vốn đăng ký 19,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 10,6 tỷ USD. Lũy kế đến hết năm 2017, tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực là 4.250 dự án với vốn đăng ký 27,64 tỷ USD. Số vốn đầu tư nước ngoài tăng qua từng năm, năm 2009, vốn đăng ký đạt khoảng 500 triệu USD, đến năm 2017 đã thu hút được hơn 3,4 tỷ USD. Môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn đã tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp. Từ năm 2008 đến năm 2017, có 177.052 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng trung bình 6,75%/năm. Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn đến cuối năm 2017 là 231.922 đơn vị. Mới đây, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 17 tỷ USD; trong đó có 11 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 5,4 triệu USD, đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI.
Ông Ðỗ Văn Ðịnh, đại diện Công ty CP Nước Aqua One cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã có những chính sách linh hoạt để thu hút đầu tư. Với Dự án Nhà máy nước mặt sông Ðuống, sau khi nhận được quyết định đầu tư năm 2016, nhờ sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của chính quyền thành phố, cho nên chỉ trong thời gian ngắn, dự án đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng trên mặt bằng rộng 61,5 ha vào tháng 3-2017. Dự kiến, tháng 10 năm nay, nhà máy sẽ được đưa vào vận hành, khai thác. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Ryu Hang Ha nhận xét: "Trong suốt những năm sinh sống và làm việc ở Hà Nội, tôi đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của thành phố, nhất là những việc làm thiết thực của chính quyền và đội ngũ cán bộ nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc cam kết sẽ tiếp tục đóng góp mạnh mẽ hơn cho quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, cùng Hà Nội hợp tác đầu tư và phát triển".
Trong những năm qua, thành phố đã ban hành và thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch... Trong lĩnh vực đất đai, Hà Nội đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn 12 ngày; thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày… Hiện nay, hằng tuần, thành phố họp xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, giảm đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục về đầu tư.
Thành phố chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành thuế được đẩy mạnh, tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế qua mạng đạt tỷ lệ 98,2%, nộp thuế điện tử đạt hơn 95%. Hiện nay, thời gian các doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng được rút ngắn từ ba ngày xuống còn hai ngày làm việc (giảm ba ngày so với năm 2008). Tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đã đạt 100%... Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được triển khai đến các sở, ban, ngành và toàn bộ 584 xã, phường, thị trấn. Ðồng thời, tiếp nhận các dịch vụ công trực tuyến do các bộ chuyên ngành triển khai cho thành phố. Thành phố đã xây dựng và vận hành Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thí điểm thực hiện dịch vụ Iparking; triển khai nghiên cứu Trung tâm điều hành thông minh thành phố Hà Nội...
Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao những chuyển biến tích cực của Hà Nội trong công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, triển khai các dự án. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố liên tục tăng hạng. Năm 2012, Hà Nội đứng ở vị trí 51 thì đến năm 2017 đã xếp thứ 13 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố. Năm 2017, Hà Nội xếp thứ ba cả nước về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông, nằm trong tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư xây dựng, phát triển thành một đô thị hiện đại. Thành phố sẽ tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, kiên định mục tiêu "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ"; sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu các đề nghị và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư, thu hút nguồn lực và thực hiện các dự án theo quy hoạch được duyệt, huy động cao nhất mọi nguồn lực, tạo đột phá về tăng cường đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung làm cơ sở để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại. |
|
Theo báo Nhân dân