Sáng 10/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và có bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đối thoại hợp tác châu Á (ACD) lần thứ 2, tại Bangkok, Thái Lan.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh một châu Á phát triển năng động đang trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, góp phần ngày càng quan trọng giải quyết những vấn đề chung toàn cầu. Và để bảo đảm tiếp tục duy trì tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, châu Á rất cần tăng cường hợp tác nhằm tạo dựng môi trường phát triển và cùng đối phó với thách thức chung.
Điều này một lần nữa nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của hợp tác ACD, đặc biệt là những nỗ lực của nước chủ nhà Thái Lan và các nước trong tìm kiếm giải pháp để hợp tác ACD ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Với chủ đề "Một châu Á - Đa thế mạnh", Hội nghị tập trung thảo luận về tương lai của châu Á và những thách thức phải vượt qua để đạt được tầm nhìn 2030 hòa bình, ổn định, thịnh vượng, kết nối thông suốt, phát triển bền vững và bao trùm.
Hội nghị cũng khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, xây dựng lòng tin, bảo đảm hoà hợp và duy trì tình hữu nghị lâu dài giữa các quốc gia và dân tộc. Các nhà lãnh đạo, trưởng đoàn các nước ACD cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, châu Á ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế và động lực tăng trưởng toàn cầu.
Tại Hội nghị, Trưởng đoàn các nước thành viên ACD và đối tác đã tham luận làm rõ nội hàm khái niệm, hành động, kế hoạch hợp tác cụ thể trên cơ sở tái cơ cấu 20 lĩnh vực hợp tác thành 6 trụ cột: Kết nối, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; mối liên hệ giữa an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước; văn hóa và du lịch; thúc đẩy các cách tiếp cận đối với tăng trưởng bền vững và toàn diện. Đồng thời, đề cập đến những thách thức mà các nước châu Á đang phải đối mặt và chỉ có thể giải quyết trên cơ sở hợp tác, kết nối sâu rộng, đa tầng nấc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự Hội nghị
Nêu vấn đề nhiều nước đang phát triển ở châu Á đang đối mặt là bên cạnh yêu cầu tăng trưởng kinh tế còn phải dành nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng đề nghị các nước ACD cần hỗ trợ lẫn nhau và có tiếng nói chung trong các diễn đàn quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định sự cần thiết thúc đẩy các dự án hợp tác giữa các nhóm nước hoặc các địa phương của các nước như một cấu phần hợp tác chung trong châu Á. Trước hết, cần tiếp thêm động lực cho những dự án đã được khởi xướng như các dự án hợp tác tại các lưu vực sông Mekong, sông Hằng, sông Amua…
“Điều cuối cùng tôi muốn đề cập là tất cả mọi nỗ lực hợp tác đều phải dựa trên, đều phải hướng tới mục tiêu tăng cường hòa bình, ổn định. Môi trường hòa bình, ổn định là tiên quyết và chỉ có được trên cơ sở các quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế; tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau; cùng nhau chia sẻ trách nhiệm với sự thực tâm và bằng hành động thiết thực”, Phó Thủ tướng nói và khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ cùng các quốc gia để thúc đẩy các trụ cột hợp tác ngày càng thiết thực, trước hết là trong 2 trụ cột “mối liên hệ giữa an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng” và “thúc đẩy các cách tiếp cận đối với phát triển bền vững bao trùm” mà Việt Nam là đồng điều phối viên.
Toàn cảnh Hội nghị
Kết thúc Hội nghị, các văn kiện được thông qua gồm: Tầm nhìn ACD về hợp tác châu Á đến năm 2030; Tuyên bố Bangkok; Tuyên bố ACD về phục hồi tăng trưởng thông qua đối tác kết nối. Hội nghị cũng nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao ACD lần thứ 3 tại Iran trong năm 2018.
* Bên lề Hội nghị đã diễn ra Diễn đàn Kết nối doanh nghiệp ACD 2016 với sự tham dự của các doanh nghiệp ACD và các tổ chức tài chính lớn trong khu vực như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).
Đây là hoạt động được tổ chức lần đầu tiên trong khuôn khổ ACD nhằm kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc hiện thực hóa Tầm nhìn ACD đến năm 2030.
Với chủ đề "Kết nối tài chính sáng tạo vì một châu Á bền vững", các đại biểu đã thảo luận về việc phát triển hệ thống tài chính châu Á thông qua ứng dụng công nghệ mới và thu hút nguồn lực tài chính cho phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng.
Diễn đàn cũng chứng kiến lễ khởi động Cổng thông tin kết nối ACD với chức năng hỗ trợ tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp các nước thành viên ACD.
Nguồn Chinhphu