Tại cuộc gặp, đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo DN khởi nghiệp đã chia sẻ, trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến những khó khăn của DN trong khởi nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ; việc tiếp cận các nguồn vốn, các dự án về đổi mới, sáng tạo…
Cộng đồng DN khởi nghiệp của Việt Nam mới hình thành chưa lâu, quy mô còn nhỏ nhưng đã có những bước phát triển nhất định, ngày càng có những đóng góp vào phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ… Tuy nhiên hiện nay, cộng đồng DN khởi nghiệp của Việt Nam còn thiếu sự kết nối, thu hút vốn đầu tư khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến thuế đối với hoạt động đầu tư mạo hiểm cùng các hỗ trợ, ưu đãi khác...
Thực tế hiện nay, rất nhiều DN khởi nghiệp của người Việt nhưng lại đăng ký kinh doanh ở nước ngoài và phát triển thị trường, sản phẩm ở nước ngoài. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng rất khó khăn khi xin giấy phép đầu tư vào Việt Nam. Đây là nguyên nhân dẫn đến "chảy máu chất xám", nguồn lực phát triển, mà cơ quan chức năng cần nhìn nhận thấu đáo và có giải pháp khắc phục.
Kiến nghị với Phó Thủ tướng, nhiều doanh nhân cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay với các DN khởi nghiệp là các thủ tục pháp lý, hành chính. Nhà nước cần có cơ chế để doanh nhân, DN, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và trực tiếp với các cơ quan công quyền để tháo gỡ vướng mắc.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự cố gắng, năng động, sáng tạo và những thành công của cộng đồng DN khởi nghiệp trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật của đất nước.
Theo Phó Thủ tướng, nhìn lại lịch sử mấy nghìn năm, dân tộc Việt Nam trải qua rất nhiều thiên tai địch họa mà vẫn giữ được độc lập, giữ được một nền văn hóa, văn hiến riêng, hết sức độc đáo được trao truyền qua bao thế hệ. Vì vậy, đã là người Việt Nam, ai cũng phải coi mình là người trong cuộc, để trân trọng sự hy sinh của hàng triệu anh hùng liệt sỹ, thương binh và người dân, của lớp lớp cha anh đi trước, lấy đó làm động lực dấn thân cho bước tiếp theo với lòng tin và niềm khát khao về một nước Việt Nam nhất định phải giàu mạnh.
“Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Việt Nam đánh giá 21 năm qua chúng ta có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai thế giới, trung bình 5,7%/năm. Nhưng để theo quỹ đạo phát triển của những nước có nền kinh tế phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải tăng trưởng ít nhất 8-9%/năm trong những năm tới đây”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết và nhấn mạnh những thách thức này chỉ có thể được giải quyết nếu tìm ra và khơi dậy cho được nguồn động lực mạnh mẽ hơn từ cộng đồng DN, xã hội và từng người dân Việt Nam.
“Để làm được như vậy, trước hết phải đổi mới mạnh mẽ, phát triển nhanh hơn nữa. Và các DN khởi nghiệp chính là những người dám mơ ước và thành công bằng công nghệ mới, với trí tuệ, sức sáng tạo, ý chí của người Việt Nam. Cộng đồng DN khởi nghiệp là những người trẻ có tâm huyết, ý chí, không chỉ lo cho bản thân mà luôn có ý tưởng và mong muốn đóng góp cho xã hội, phát triển đất nước. Dù không thành công thì các bạn vẫn thành công vì điều đó sẽ làm nên thành công của những người đi sau” Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn từ những DN khởi nghiệp sẽ có sự kết nối và lan tỏa tới cộng đồng, và “đặt hàng” các DN khởi nghiệp có những góp ý cho các chính sách rất cụ thể, thiết thực từ hoạt động thực tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số doanh nhân khởi nghiệp trẻ. Ảnh: VGP/Đình Nam
Lấy ví dụ từ thời hạn đến ngày 31/12/2015 ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội phải tin học hóa, nối mạng toàn bộ hệ thống BHYT tại hơn 14.000 cơ sở y tế trên cả nước, hay Nghị quyết đẩy mạnh Chính phủ điện tử yêu cầu các bộ, ngành phải cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4, Phó Thủ tướng cho rằng đây sẽ là cơ hội rất lớn để các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển theo cơ chế thuê dịch vụ với sự chia sẻ của các “anh lớn” như Viettel, FPT, VNPT để hình thành nên “hệ sinh thái” trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ, nguồn vốn, cơ chế chính sách,… tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể: Cổng thông tin điện tử Chính phủ xem xét mở hộp thư để giải quyết thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, pháp luật trong kinh doanh, đầu tư; Bộ Tài chính tìm giải pháp sắp xếp nguồn vốn, quỹ hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp…
Nguồn: Chinhphu.vn