Thứ Năm, 21/11/2024 20:12:49 GMT+7
Lượt xem: 3891

Tin đăng lúc 24-12-2015

Kết nối cung-cầu hàng hóa: Hướng tới chuẩn an toàn thực phẩm

Chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa năm 2015 tập trung ưu tiên kết nối cho các sản phẩm đạt chuẩn an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần xây dựng thành công chuỗi thực phẩm an toàn.
Kết nối cung-cầu hàng hóa: Hướng tới chuẩn an toàn thực phẩm
Các đại biểu tham quan gian hàng tham gia hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa. Ảnh: VGP/Lê Anh.

Mở rộng kết nối với nhà sản xuất

 

Ngày 23/12, Sở Công Thương TPHCM phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa giữa TPHCM và 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

Ngay tại buổi kết nối đã có 273 hợp đồng nguyên tắc được ký kết giữa các nhà phân phối và đơn vị sản xuất.

 

Theo báo cáo từ Sở Công Thương TPHCM, sau 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa ngày càng được mở rộng. Nếu như năm 2012, mới chỉ có 43 hợp đồng được ký kết với 15 tỉnh, thành phố, thì tới năm 2014 đã có 347 hợp đồng với 38 tỉnh, thành phố.

 

Tính từ đầu Chương trình đến hết tháng 11/2015 đã có 965 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương, trong đó có 886 hợp đồng đã được triển khai thực hiện, tổng trị giá trên 20.000 tỉ đồng.

 

Trong đó, TPHCM tiêu thụ hàng hóa của các tỉnh, thành phố trị giá trên 13.500 tỉ đồng và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành phố trên 6.500 tỉ đồng.

 

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, qua 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã phát huy được hiệu quả tích cực, từng bước tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại, giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam Bộ và TPHCM.

 

Thông qua Chương trình, hàng hóa của các cơ sở sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững, từ đó người sản xuất mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô.

 

Về phía các doanh nghiệp (DN) phân phối cũng tìm được nguồn hàng chất lượng và ổn định, từ đó có thể yên tâm đẩy mạnh mở rộng thị trường trong nước.

 

Cũng thông qua Chương trình, nhiều hàng hóa nông sản chất lượng, đặc sản của các vùng ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước, thông qua các hệ thống phân phối lớn, bước đầu đã hướng tới xuất khẩu.

 

Hỗ trợ DN sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP

 

Bên cạnh những hiệu quả rõ nét mà Chương trình mang lại, theo phản ánh từ các nhà phân phối và các cơ sở sản xuất, việc kết nối cung cầu cũng còn những vướng mắc cần được giải quyết trong thời gian tới, như công tác giao nhận, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì…

 

Sở Công Thương TPHCM cho biết, để khắc phục những hạn chế này, một số hệ thống phân phối của Thành phố đã có chủ trương, giải pháp hỗ trợ DN, hộ nông dân chuẩn hóa quy trình sản xuất, nuôi trồng, cải tiến bao bì, xây dựng thương hiệu.

 

Sở cũng sẽ phối hợp với các tỉnh, thành phố đẩy mạnh kết nối cung-cầu hàng hóa theo chiều sâu với từng địa phương cụ thể. Đồng thời, hỗ trợ, khuyến khích các DN TPHCM thực hiện ứng vốn, cung cấp giống cây, giống con, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ về nhân lực, kỹ thuật… cho các DN, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành phố để sản xuất, bao tiêu sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…

 

Đồng thời, Sở phối hợp với các hệ thống phân phối đẩy mạnh công tác truyền thông, định vị sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm có một vị thế cao hơn, đúng giá trị; nâng cao ý thức người tiêu dùng, phát triển mạng lưới địa điểm phân phối sản phẩm an toàn, qua đó, tạo tiền đề phát triển lâu dài, bền vững cho hoạt động sản xuất, nuôi trồng theo quy trình an toàn thực phẩm của Việt Nam.

 

Về phía các nhà phân phối, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng kiến nghị, các địa phương tham gia chương trình cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ các nhà phân phối trong khâu vận chuyển, phát triển hệ thống logistics, qua đó giảm chi phí vận chuyển cho sản phẩm.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần kết hợp một cách hiệu quả giữa Chương trình kết nối cung-cầu hàng hóa và Chương trình bình ổn thị trường với nhau, để mang lại hiệu quả cao, hàng hóa chất lượng và đa dạng.

 

Bên cạnh đó, cần sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Sở Y tế, các cơ quan chức năng liên quan tại các tỉnh, thành phố với TPHCM để kiểm tra, đảm bảo hàng hóa đưa vào Thành phố luôn đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang