Thứ Sáu, 22/11/2024 05:13:04 GMT+7
Lượt xem: 1368

Tin đăng lúc 09-08-2023

Khắc phục khó khăn về thiếu hụt lao động cho ngành Công nghiệp hỗ trợ

Có thể nói, Ninh Bình đang là điểm đến hấp dẫn cho các dự án công nghiệp hỗ trợ (CNHT), song nguồn nhân lực còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp (DN) ngành CNHT.
Khắc phục khó khăn về thiếu hụt lao động cho ngành Công nghiệp hỗ trợ
Thiếu hụt nhân lực đang là một bài toán khó đối với ngành CNHT

Kết quả điều tra của các cơ quan chuyên môn trong tỉnh về những khó khăn của DN từ đầu năm đến nay cho thấy, bên cạnh những bất ổn về thị trường, nguyên liệu... ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thì việc thiếu hụt lao động cục bộ ở một số DN CNHT đang là vấn đề cần tháo gỡ.

 

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, trong tháng 4, tổng số lao động trong nước tại KCN là 37.551 lao động, giảm 575 lao động so với tháng 3. Hiện tại, các DN đều thiếu đơn hàng, tuy nhiên một số DN sản xuất CNHT lại đang thiếu lao động chất lượng cao. Đơn cử như Công ty TNHH MCNEX VINA cần tuyển 25 lao động trình độ cao. Nhà máy sản xuất xe khách, bus cần tuyển 15 thợ hàn có tay nghề.

 

Công ty TNHH MCNEX VINA (KCN Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình) là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm camera module dành cho điện thoại, ô tô và bàn phím màn hình chính nhận diện vân tay. Hiện tại, lực lượng lao động đang là vấn đề rất cấp bách với Công ty. MCNEX VINA đang cần tuyển số lượng công nhân lớn, nhất là khi đưa dây chuyền 2 vào vận hành sản xuất. Công ty đang đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh hỗ trợ công tác tuyển dụng lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ phần mềm, kỹ sư thiết kế vi mạch có trình độ từ cao đẳng trở lên...

 

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang (phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình) là DN chuyên sản xuất sợi. Dù hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn nhưng vẫn đang rất cần tuyển thêm lao động. Số lượng lao động phổ thông cần tuyển khoảng trên 100 người. Đó là chưa kể đến nguồn lao động kỹ thuật cao trong lĩnh vực CNHT ngành may mặc cũng rất khó tuyển dụng.

 

Với định hướng xây dựng tỉnh Ninh Bình thành trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch và CNHT phục cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư các dự án trọng điểm. Trong đó, chính sách về đào tạo lao động được đặc biệt chú trọng để chủ động cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho các DN, nhất là DN FDI. Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp, liên kết nhu cầu tuyển dụng của các DN với các trường nghề trong tỉnh để đảm bảo nguồn cung ứng lao động qua đào tạo.

 

 

Ninh Bình đang đầu tư mạnh cho phát triển CNHT

 

Hiện tại, trên địa bàn Ninh Bình có 27 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động, trong đó có 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục. Hằng năm, căn cứ chỉ tiêu, quy mô đào tạo, các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề với nhiều hình thức giúp người lao động thay đổi tư duy nhận thức về công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập…

 

Bởi vậy, trong 2 năm qua (2020 - 2022), toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 54.406 người, đạt 102% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp là 14.720 người. Việc tuyển sinh, đào tạo chủ yếu ở các ngành, nghề: Công nghệ ô tô, vận hành máy thi công nền, kế toán DN, điện dân dụng, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, kỹ thuật xây dựng, hàn, cắt gọt kim loại, lập trình máy tính. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp, gắn kết với DN trong đào tạo và cung ứng lao động. Đến nay, các trường đã liên kết với hơn 70 DN trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi năm các trường cao đẳng, trung cấp đã ký kết đưa trên 700 học sinh, sinh viên đến thực tập và làm việc với các ngành nghề theo đúng nhu cầu của DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phối hợp với các DN trong việc xây dựng chương trình đào tạo, đồng thời sử dụng các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao của DN tham gia vào công tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Các DN luôn tạo điều kiện để học viên đến thực tập và tiếp nhận những học viên đáp ứng yêu cầu vào làm việc chính thức tại DN. Các hoạt động liên kết đào tạo nghề trên giúp cho học sinh, sinh viên yên tâm học tập, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm, tạo môi trường làm việc phù hợp với ngành nghề đào tạo.

 

Chỉ trong hơn 10 năm, Ninh Bình đã phát triển 17 cụm công nghiệp với tổng diện tích 616,22 ha. Chỉ riêng năm 2022, doanh thu của các DN trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đạt 73.260 tỉ đồng, tăng gần 7,5% so với cùng kì và đạt 106,2% kế hoạch năm. Giá trị xuất khẩu ước đạt 1,7 tỉ USD, tăng 11,7% so với cùng kì và đạt 100% kế hoạch năm, nộp ngân sách ước đạt 14.000 tỉ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 39.257 lao động với mức lương bình quân đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Có thể nói, chuẩn bị một đội ngũ lao động chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư là một mắt xích quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư và phát triển CNHT của Ninh Bình. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Ninh Bình xác định rõ cần nâng cao năng lực của các cơ sở dạy nghề; các cơ sở dạy nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức khoa học mới và nắm bắt được nhu cầu của DN để định hướng dạy nghề cho phù hợp. Đồng thời, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dạy nghề và học nghề nhằm khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” tại các DN trên địa bàn tỉnh. Quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Khuyến khích DN tham gia tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại DN.

 

Anh Lê


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang