Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng của ngành Công Thương khu vực phía Bắc nhằm tăng cường trao đổi thông tin giữa Lãnh đạo Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước ngành Công Thương; Tạo điều kiện cho Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công các tỉnh thành có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước, đề xuất các giải pháp phối hợp, liên kết khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và đề xuất, tham mưu với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là dịp để đánh giá kết quả sản xuất công nghiệp, hoạt động kinh doanh của toàn ngành năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016.
Tại hội nghị, các báo cáo, tham luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2016, nhiệm vụ, giải pháp 3 tháng cuối năm 2016. Trong đó, trọng tâm báo cáo nêu rõ: Sản xuất công nghiệp của khu vực vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá, năm 2015 tăng 18,5% so với năm 2014, 9 tháng đầu năm 2016 tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2015; Hoạt động thương mại tăng trưởng ổn định, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và đa dạng, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ... nhờ vậy hoạt động xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng tốt, năm 2015 tăng 16,7% so với năm 2014, 9 tháng đầu năm 2016 tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015; Thị trường trong nước ổn định với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2015 tăng 12% so với năm 2014; 9 tháng đầu năm 2016 tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2015, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ nên đã được tăng cường và triển khai đồng bộ, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, các báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế của ngành Công Thương phía Bắc thời gian qua đó là: Sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, đầu tư nguồn nguyên liệu như điện tử, dệt may,... phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, sản xuất kém cạnh tranh; tiến độ đầu tư vào các cụm công nghiệp của một số tỉnh, thành phố còn chậm, thu hút đầu tư mới còn khó khăn; Hệ thống phân phối hàng hoá chưa có sự liên kết giữa các nhà sản xuất - nhà phân phối – nhà kinh doanh bán buôn, bán lẻ với nhau…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã đạt được thời gian qua, đồng thời đề nghị trong thời gian tới các địa phương cần tiếp tục theo dõi, bám sát, tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; Tổ chức triển khai đảm bảo tiến độ dự án, quy hoạch Công nghiệp - Thương mại phù hợp với tình hình chung của cả nước; Phát triển công nghiệp gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, phối hợp triển khai những chương trình, dự án công nghiệp quy mô lớn, đồng thời hoàn thành tốt các đề án khuyến công được giao, đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả; Xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, khai thác tốt thị trường nội địa, tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn nhằm hỗ trợ các DN đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản của các tỉnh thành; Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông… góp phần phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chung của toàn ngành, làm tiền đề triển khai kế hoạch 5 năm 2016 – 2020.
Trao cờ luân lưu cho Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ Nguyễn Mạnh Hùng
Kết thúc hội nghị trong sự nhất trí, tiếp thu ý kiến, đóng góp của các vị đại biểu, Bộ Công Thương đã trao cờ luân lưu và giao Sở Công Thương Phú Thọ đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc 2017.
Hà Trang